Về quê "đụng" thịt

Dù chưa đến tết, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân thành phố đã sắm thực phẩm tết xong xuôi, chỉ đợi gần tết là đánh một chuyến ô tô về quê chở lên.

Ông Trần Văn Vinh, nhà ở phố Kim Mã cho biết, nhà ông chung tiền với 3 gia đình khác cùng phố đặt mua lợn, gà ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - quê ông. Chỉ đợi đến ngày 28 âm lịch khi về quê chúc tết họ hàng rồi tiện thể chở một chuyến quay về Hà Nội luôn.

anhveque.jpg
Nhiều người tin tưởng sắm Tết ở chợ quê vì thấy yên tâm hơn về ATVSTP (Ảnh: Vietnamnet)

Cũng theo ông Vinh, giá lợn hơi ở quê chỉ 47.000 đồng/kg, 4 gia đình ăn đụng 1 con 60-70 kg là vừa. Vĩnh Tường cũng là nơi trồng các loại rau để đổ buôn đi khắp nơi nên tiện mua thịt lợn thì mua luôn các loại rau về để trong tủ lạnh ăn dần. Như thế cũng tiết kiệm ra được khá nhiều tiền và yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Phạm Vân Khanh, nhà ở phố Nhà Chung kể rằng, năm nay nhà bà đã lo xong tết rồi, giờ chỉ mua thêm kẹo bánh nữa là xong. Bà là người Hà Nội gốc nên việc mua sắm thực phẩm phải nhờ bạn; rồi chung tiền cùng bạn để đặt mua thực phẩm ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Giá gà ta loại ngon chỉ có 135.000 đồng/kg. Thịt bò cũng chỉ từ 170 - 200.000 đồng/kg. Riêng năm nay, do con cái về ăn tết đông đủ nên bà nhờ người đặt mua 1 con lợn lửng 10kg ở Phú Thọ, do không đi được tận nơi nên bà phải mua với giá 1,2 triệu/con gồm cả công vận chuyển.

Ngoài việc về quê để ăn đụng lợn, năm nay, nhiều gia đình nhờ người quen, bạn bè đặt mua lợn lửng trên vùng cao để ăn tết. Lợn lửng là loại lợn thả rông nên cân nặng chỉ từ 10 - 16 kg trở lại. Giá mua tận gốc dao động từ 90.000-120.000 đồng/kg. Nhưng nếu mua tại Hà Nội, giá tăng lên 220.000 đồng/kg.

Theo cô Vũ Hà Lâm, nhà ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, nhà cô có anh trai làm ở Sơn La, nên hai anh em chỉ đặt mua con lợn 12kg, giá tại nơi nuôi là 93.000 đồng/kg.

Cách sắm tết thông minh thời bão giá

Ngoài việc giá cả rẻ hơn ở thành phố, vấn đề an toàn thực phẩm là điều mà người dân quan tâm hơn cả khi về quê mua thực phẩm phục vụ tết cho gia đình.

Theo anh Nguyễn Quang Duy, chủ một mô hình vườn, ao, chuồng ở Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, năm nay rất nhiều người gốc Thanh Miện nhưng đang sống ở Hà Nội, Hải Phòng về đây đặt mua gà, mua lợn để ăn tết.

Chăn nuôi gà không dùng thức ăn tăng trọng 

Nhà anh chỉ nuôi lợn để kết hợp với việc nấu rượu và thả cá nên nuôi không nhiều. Cám thì cho ăn từ gạo phục vụ chăn nuôi xát ra, gà vịt cho ăn thóc do gia đình cày cấy... Vì vậy, nuôi đến 5-6 tháng mới được một lứa lợn, 6-7 tháng mới được một lứa gà.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cũng cho biết, người dân ở đây đa số chăn nuôi theo kiểu kết hợp, không phải buôn bán kinh doanh nên không có chuyện sử dụng các chất tăng trưởng. Nhà ông cũng đang chăn nuôi kết hợp như vậy.

Liên hệ với anh Trần Văn Học, nhà ở xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, anh Học cho biết, gia đình nhà anh chăn nuôi được 5 con lợn và hơn 20 con gà để ăn tết và bán quanh làng. Vì không chăn nuôi nhiều, mà lại để bán cho người làng nên nhà anh chỉ cho ăn cám rau bình thường. Từ hơn 2 tuần nay, có người quen dưới Hà Nội gọi điện hỏi đặt mua lợn và gà, vì vậy anh không bán nữa mà để cho người quen ở Hà Nội.

Có thể nói rằng, về quê sắm tết vừa rẻ lại vừa an toàn. Người dân quê nuôi trồng đều từ thiên nhiên, không sử dụng cám tăng trọng, không sử dụng thuốc kích thích nên rất an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, giá còn rất rẻ so với giá tại thành phố.

Vấn đề an toàn thực phẩm đang khiến cơ quan chức năng đau đầu vì chưa thể kiểm soát được. Việc số đông người dân về quê sắm tết cũng là một giải pháp về thực phẩm an toàn cho gia đình, đây cũng là một cách hay để tiết kiệm chi tiêu của các bà nội trợ thời "bão giá"./.