Ngày 12/9, tại Hà Nội, Trung tâm Quốc tế Geneva về Khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD) tổ chức buổi Tọa đàm đánh giá giữa kỳ cấp khu vực của Dự án về công tác quản lý vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE).

Dự án MORE là kết quả của sự hợp tác giữa 15 quốc gia khác nhau thuộc Châu Âu, châu Á. Chương trình này nghiên cứu sự phát triển của các chính sách, và thực tiễn trong cách thức phản hồi đối với sự hiện diện của vật nổ tại các quốc gia vẫn còn bị ô nhiễm bom đạn từ sau chiến tranh, nhằm hỗ trợ cho người ra quyết định hiện tại và khuyến khích sự thay đổi trong cách thức tiếp cận các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động của ô nhiễm bom đạn tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các xung đột gần đây (như Việt Nam, Lào, Campuchia).

Ông Guy Rhodes, Giám đốc điều hành GICHD cho biết, quy trình quản lý rủi ro, được áp dụng trong công tác ra quyết định và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ căn cứ trên các tiêu chuẩn phù hợp với từng quốc gia, được áp dụng tại hầu hết các quốc gia mặc dù vẫn còn sự khác biệt về chất lượng.

Trong mục tiêu ngắn hạn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia có thể nhìn thấy rõ được sự cải tiến trong các phản ứng của quốc gia đối với vật nổ còn sót lại sau chiến tranh thông qua việc cập nhật các chính sách, thực tiễn trong việc đánh giá rủi ro.

du_an_more_2_dmmq.jpgCuộc tọa đàm diễn ra tại Hà Nội 

Việt Nam là một trong những nước tham gia thực hiện dự án này và là một trong những nước gánh chịu hậu quả nặng nề do bom, mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra.

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã được tiến hành tích cực ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Hàng nghìn tấn bom đạn đã được xử lý thành công, ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn của người dân ngày càng được cải thiện, công tác điều tra xác minh các khu vực bị ô nhiễm đã được thực hiện trên toàn quốc. Tuy nhiên, diện tích ô nhiễm bom mìn lớn, chủng loại đa dạng với các điều kiện khác luôn là những thách thức lớn đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Theo đại diện Trung tâm Hành động bom, mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), phương pháp tiến cận công tác khắc phụ hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các nước trong khu vực và một số nước châu Âu tham gia vào dự án MORE cũng như còn có sự khác biệt và các nước có thể tham khảo, hợp tác và học hỏi lẫn nhau. Dự án MORE chính là kênh kết nối không chỉ các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật mà còn các nhà quản lý và hoạch định chính sách cho công tác khắc phục hậu quả.

Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của Dự án MORE và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các nước để thực hiện thành công dự án này ở các giai đoạn tiếp theo./.