Quảng Trị là nơi còn nhiều bom, mìn sót lại sau chiến tranh, ảnh hưởng đến tính mạng cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Từ nhiều năm qua, các tổ chức rà phá bom mìn đã tập trung rà phá, tháo gỡ bom mìn, bảo vệ cuộc sống người dân.

Nhận được thông tin của người dân, Đội Xử lí nhiệm vụ khẩn thuộc Nhóm cố vấn bom mìn (MAG- Mine Advisory Group) lập tức có mặt tại khu phố 7, phường 5, thành phố Đông Hà. Đây là khu vực người dân nghi ngờ có bom sót lại sau chiến tranh. Được sự giúp đỡ của Nhóm cố vấn bom mìn- MAG dưới sự tài trợ của Chính phủ Anh, người dân địa phương cảm thấy yên tâm hơn.

Từ năm 1999 đến nay, Nhóm cố vấn bom mìn- MAG đã phối hợp với các địa phương của tỉnh Quảng Trị xử lý hơn 133.000 vật liệu nổ, 2.500 quả mìn còn sót lại sau chiến tranh, làm sạch hơn 614 hécta đất, trả lại vùng đất sạch để người dân sinh sống, canh tác và xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

bom%20min%201.jpg
Lực lượng rà phá bom mìn đang thực hiện di chuyển một quả bom có khối lượng lớn nằm xâu trong lòng đất 

Ông Lê Văn Trà, Điều phối viên hoạt động kĩ thuật Nhóm cố vấn bom mìn- MAG cho biết đã có hơn 1,5 triệu người được hưởng lợi từ chương trình này.

Ông Lê Văn Trà cho biết, đơn vị đang xử lý nhiệm vụ khẩn do người dân cung cấp, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nằm trong khu dân cư thành phố Đông Hà. Đơn vị muốn khuyến cáo cho người dân khi phát hiện có bom mìn hoặc vật liệu chưa nổ hãy thông báo qua số điện thoại 18001742 để kịp thời xử lý.

Việc xử lý bom mìn tại khu vực đông dân cư hiện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác chặt chẽ từ phía người dân và chính quyền địa phương nên việc xử lí rà phá bom mìn đạt nhiều kết quả đáng kể.

Thiếu tá Nguyễn Võ Thành, Trợ lý công binh- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đánh giá rất cao Dự án MAG về cả kĩ thuật phương tiện, làm việc đúng quy trình theo hướng dẫn. Phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, giữa quân đội địa phương và dự án rất nhịp nhàng, đảm bảo an toàn cho người lao động và dân trên địa bàn./.