Hội nghị do Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 504; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; các vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tới dự.

thu-tuong-nguyen-tan-dung.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Việc khắc phục hậu quả bom mìn đã được Chính phủ, quân đội tích cực tiến hành nhiều năm qua ngay sau khi chiến tranh kết thúc và đã đạt được những kết quả rất đang khích lệ. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu dần hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, điều hành và đầu tư kinh phí, chỉ đạo thực hiện, ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và Kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn đến 2015. Đây là cơ sở huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Tuy vậy, do hậu quả chiến tranh gây ra quá lớn, Việt Nam rất cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cá nhân và cộng đồng trong nước, quốc tế chung tay góp sức để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội.Thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai điều phối các hoạt động trong lĩnh vực này; bước đầu xây dựng Nghị định về quản lý khắc phục hậu quả bom mìn; xây dựng, hoàn thiện các quy chế hoạt động, quy chế quản lý; triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận động tài trợ, cơ chế điều phối; phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực trong ký kết hợp tác song phương.

Hiện Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ với Chính phủ Hoa Kỳ, với Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD) và Trung tâm Quốc tế (IC); thống nhất khung hợp tác với UNDP, hợp tác trong khuôn khổ ADMM+; hợp tác với Tổ chức NPA...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện cả nước vẫn có trên 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn. Tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra, gây thương vong cho con người, ảnh hưởng tiêu cực đến khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nước, gây tâm lý bất an cho nhân dân. 
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết, không chỉ rà phá bom mìn trên đất gặp khó mà việc thực hiện các dự án rà phá bom mìn dưới biển đang gặp nhiều khó khăn. Việt Nam cần hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện việc rà phá bom mìn, làm sạch đất đai.
Từ năm 1975 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, với tổng chi phí từ ngân sách Nhà nước khoảng 80 triệu USD/năm (khoảng 30 triệu USD cho rà phá bom mìn và 50 triệu USD cho an sinh xã hội ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn).
Hội nghị Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Phát biểu tại Hội nghị, với mong muốn đảm bảo việc sử dụng và huy động có hiệu quả các nguồn tài trợ Quốc tế, góp phần để Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia không còn bom mìn sót lại sau chiến tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ dộng, tích cực, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 để xây dựng kế hoạch đàm phán, vận động, ký kết hợp tác cấp quốc gia với chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế trong thực hiện chương trình nêu trên.

Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ động đàm phán với các nhà tài trợ Quốc tế, sớm triển khai hoạt động của nhóm quan hệ đối tác, nghiên cứu, ban hành cơ chế điều phối, quản lý, sử dụng nguồn lực để thực hiện chương trình; chủ động mở rộng ký kếp hợp tác, hỗ trợ song phương, đa phương và xây dựng kế hoạch đàm phán, ký kết hoạt động, cam kết tài trợ với chính phủ các nước.

Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách có liên quan đến chương trình, tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý trong tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ Quốc tế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, hình thành nhóm các nhà tài trợ trong nước để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động của chương trình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nhà tài trợ, các vị Đại sứ và bạn bè quốc tế tham gia tích cực, hình thành Nhóm đối tác để giúp Chính phủ Việt Nam và Ban chỉ đạo 504 trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn nói chung cũng như trong việc huy động và xây dựng các thể chế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chương trình này.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc rà phá cũng như có chính sách hỗ trợ các nạn nhân của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đại diện nhiều nước, tổ chức quốc tế cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong công tác này trong thời gian tới qua Tuyên bố chung của các nhà tài trợ và của các Tổ chức phi chính phủ.Hội nghị cũng ra mắt Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Ban Vận động Hội và Quỹ khắc phục hậu quả bom mìn./.