3 chân kiềng phải vững

Bày tỏ bức xúc và lo ngại trước tình trạng gia tăng tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên gia tăng, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, đối tượng này trong thời gian vừa qua gây ra rất nhiều vụ án đau lòng và tình trạng phạm tội có rất nhiều diễn biến phức tạp.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, 3 môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội đều đang có vấn đề đối trong giáo dục những trẻ em và thanh thiếu niên hư, đặc biệt là những thanh thiếu niên phạm tội.

Đề cập sâu đến giáo dục ngoài nhà trường, đại biểu đặt vấn đề: “Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa có tòa án tư pháp vị thành niên, tòa án trẻ em? Tại sao khi Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em phối hợp với chính quyền các địa phương rất công phu để xây dựng được 162.000 cộng tác viên thôn bản nhưng khi giải thể Ủy ban này thì số cộng tác viên trên chỉ cơ bản làm nhiệm vụ về dân số? Nhưng tới đây có thể lại tiếp tục cắt nguồn ngân sách 50.000 đ/tháng của các cộng tác viên này. Tôi cho rằng phải xem lại xem chúng ta có đang đi ngược với phương pháp giáo dục ngoài nhà trường của các nước trên thế giới hay không?”

Đại biểu cho biết, tại Nam Phi cán bộ làm công tác xã hội có rất nhiều quyền, có quan hệ chặt chẽ với tòa án trẻ em, tòa án tư pháp vị thành niên. Khi trẻ em vi phạm pháp luật, trách nhiệm giáo dục của cộng tác viên này là phối hợp với nhà trường, với ngành tòa án và rất có hiệu quả.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu cách làm trên để nâng cao vai trò cán bộ làm công tác xã hội ở các xã, phường, thôn bản hiện nay. Thành lập tòa án tư pháp vị thành niên, tòa án trẻ em như thế nào cho thực sự có hiệu quả để nâng cao giáo dục ngoài nhà trường.

Đại biểu nhấn mạnh, để giáo dục một trẻ em thành người có ích cho xã hội, chúng ta phải rất công phu, phối hợp chặt chẽ 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. 3 chân kiềng này phải thật vững mạnh chứ không thể tăng hình phạt với trẻ vị thành niên phạm tội.

 

 

levanluyen.jpg

"Vụ án Lê Văn Luyện có trên 1000 bài báo viết nhưng không ai nêu ra nguyên nhân tại sao Luyện phạm tội mà chủ yếu miêu tả hành vi và tỏ thái độ căm phẫn", Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) nói khi đề cập nguyên nhân sâu xa của tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên.

Có nên tăng hình phạt?

Đại biểu Trương Hòa Bình (đoàn Long An), Chánh án TANDTC nhấn mạnh, trẻ em phạm pháp xuất phát từ nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tổng hòa sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung, trong đó có các thiết chế về phòng ngừa chung và những chính sách khác đối với trẻ em.

Đại biểu khẳng định, Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em thì giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em. Kinh nghiệm của nhiều nước khi có những vụ án gây bức xúc dư luận, báo chí đăng tải nhiều, dư luận nhiều thì tăng hình phạt nhưng sau đó trẻ em phạm pháp vẫn không giảm.

“Về mặt pháp lý quốc tế cũng như đạo lý và đánh giá về nguồn gốc phát sinh tội phạm, chúng tôi thấy rằng phải bằng những giải pháp khác chứ không phải tăng hình phạt, trong đó có quản lý xã hội, giáo dục, chính sách…”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) cho rằng: “Nói nguyên nhân của tình hình tội phạm chủ yếu do ý thức của người dân thấp là không đủ và không sâu xa. Chúng ta phải phân tích tại sao lại sinh ra ý thức đó, trong đó có vấn đề chính sách giáo dục…”.

Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cứ loay hoay với việc xử thật nặng, xử thật nghiêm, chạy theo vi phạm là không ổn, không giải quyết được vấn đề. Do đó, đại biểu đề nghị, trong các báo cáo trình Quốc hội cần phải phân tích sâu hơn các nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm và xác định các giải pháp, có yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện./.