Chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án.

Các ý kiến đều cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ khi thể hiện được bức tranh toàn cảnh về tình hình tội phạm, đề cập rõ ràng thẳng thắn thực trạng trên.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực, cố gắng rất lớn của các lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm hiện nay, gây bất an trong nhân dân, kỷ cương phép nước bị coi thường.

hopto2.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Báo cáo được Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội ngày 22/10 cho biết, năm 2012 trước tác động của tình hình tiêu cực của thế giới, khu vực và tình hình kinh tế xã hội của nước ta, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn biến phức tạp hơn. Nhiều loại tội phạm gia tăng, tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Theo báo cáo, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tuy được kìm chế, giảm 1,3%, một số loại án giảm như giết người, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng nhưng nhiều loại tội phạm tăng, có sự cấu kết đan xen giữa tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy. Tội phạm giết người thân, giết nhiều người, giết trẻ em dã man phản ánh những vấn đề đáng báo động về đạo đức xã hội.

Số vụ chống người thi hành công vụ tăng 17,9%, trong đó chống lại lực lượng công an tăng 21,7%. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính tiền tệ. Tội phạm về vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân gây bức xúc trong xã hội, dẫn đến khiếu kiện ở nhiều địa phương…

Đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song cần tăng cường các biện pháp để đảm bảo kỷ cương, pháp luật. Theo đại biểu, hiện số lượng được hưởng án treo còn lớn, do đó cần xem xét lại tiêu chí để cho hưởng án treo để đảm bảo tính chất răn đe.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của tình hình tội phạm nhiều là do chúng ta xử lý tội phạm còn quá nhẹ, án treo nhiều. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, trong xã hội còn tồn tại nhiều hành vi, hành động thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước.

Đề cập đến tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (đoàn Hòa Bình) bày tỏ bức xúc khi tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy lớn tiếp tục hoạt động trên các tuyến trọng điểm, các đối tượng manh động sẵn sàng chống đối và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ.

Đại biểu đặt vấn đề về công tác phối hợp với các nước bạn trong công tác phòng chống loại tội phạm này khi số lượng lớn ma túy được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam. Đại biểu cũng đề nghị tăng cường lực lượng, thực hiện nhiều chuyên án trên những tuyến biên giới trọng điểm.

Đại biểu Trần Tiễn Dũng (đoàn Hà Tĩnh) thì cho rằng, con số hơn 16.000 đối tượng đang bị truy nã là đáng lo ngại. Ngoài ra,tình hình vi phạm hành chính diễn ra phổ biến ở các địa phương và trên nhiều lĩnh vực như trật tự an toàn giao thông, công cộng,… cũng đáng báo động về ý thức chấp hành pháp luật.

Có ý kiến đề nghị báo cáo của Chính phủ cần đề cập cụ thể hơn đến tình hình vi phạm trong y tế, giáo dục, văn hóa; làm rõ địa phương nào, bộ ngành nào… làm tốt và chưa tốt, vì sao./.