Còn thiếu thống nhất
Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho biết, qua giám sát cho thấy nhận thức về tội phạm, xử lý tội phạm của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án trong nhiều vụ án còn có khoảng cách, gây nghi ngờ về đường lối xử lý của các cơ quan tư pháp trong dư luận nhân dân, giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm.
Đại biểu lấy ví dụ nhiều vụ án Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị mức án rất cao trong khung hình phạt nhưng Tòa án lại xử dưới khung hình phạt; Viện Kiểm sát đề nghị án treo thì Tòa án xử tù giam và ngược lại Viện Kiểm sát đề nghị giam thì tòa án xử treo.
“Tòa án nhân dân cấp huyện xử mức án rất cao nhưng lên đến Tòa án nhân dân phúc thẩm cấp tỉnh lại xử mức án thấp. Ví dụ có những vụ Tòa án nhân dân cấp huyện xử 6,5 năm tù giam nhưng lên đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh không thay đổi tội danh nhưng giảm xuống còn 3 năm tù cho hưởng án treo”, đại biểu cho biết.
Đại biểu Phạm Xuân Thường cũng cho rằng, xét xử của các tòa án trong cùng một địa phương cũng rất khác nhau. Có tòa án huyện xử chỉ áp dụng 10% án treo, nhưng có những tòa án huyện áp dụng trên 50% án treo. Cùng trong một tòa án có những phiên tòa mà vụ án trước và vụ án sau tương đồng nhưng áp dụng hình phạt cũng rất khác nhau.
“Cử tri cho rằng trong các vụ án này có các hiện tượng tiêu cực, còn bản thân tôi không dám khẳng định rằng trong các vụ án đấy không có các hiện tượng tiêu cực. Nó gây ra một nỗi nghi ngờ cho người dân và họ giảm lòng tin vào sự nghiêm minh của các cơ quan pháp luật”, đại biểu bày tỏ.
Cán bộ thiếu hay bố trí chưa hợp lý?
Về công tác bố trí, sử dụng cán bộ, đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng các báo cáo đã cho thấy đến nay số lượng cán bộ của các cơ quan tư pháp tương đối đảm bảo được nhiệm vụ. Tuy nhiên, do việc bố trí sử dụng, sắp xếp chưa hợp lý cho nên vẫn có những nơi kêu thiếu.
Đại biểu lấy ví dụ, kết quả giám sát ở các thành phố lớn của các tỉnh miền Nam, miền Tây Nam Bộ cho thấy, mỗi năm, một thẩm phán trung bình có thể xử tới 150 - 200 vụ, trong khi đó có những nơi thẩm phán chỉ xử 20-30 vụ, thậm chí hơn 10 vụ. “Như vậy, rõ ràng chúng ta không phải thiếu biên chế mà do cách sắp xếp tổ chức bộ máy của chúng ta không hợp lý”, đại biểu nêu ý kiến.
Hay về công tác thi hành án, đại biểu Phạm Xuân Thường dẫn số liệu ở Cần Thơ, một chấp hành viên có tới 600 việc, Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 500 việc, hay xa xôi như đảo Phú Quốc cũng có tới 330 việc, trong khi đó rất nhiều địa phương chỉ có từ 100 - 150 việc. Điều này cũng cho thấy công tác sử dụng cán bộ là chưa hợp lý.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị các cơ quan tư pháp quan tâm hơn đến công tác điều chuyển cán bộ để đảm bảo cho hoạt động tư pháp được tốt hơn./.