Nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ (20/3), hôm nay tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Thị trường việc làm Pháp ngữ tại Việt Nam: thách thức và triển vọng”, với sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và bà Anissa Barrack, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh vai trò của tiếng Pháp trong tiến trình hội nhập quốc tế vì sự phát triển của đất nước. Trên tinh thần chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập quốc tế tích cực, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các dự án giáo dục và đào tạo chuyên ngành phối hợp với các tổ chức và đối tác Pháp ngữ.

Nhận thức được vai trò của tiếng Pháp trong tiến trình hội nhập quốc tế vì sự phát triển của đất nước, chúng tôi đã tham gia tích cực vào các dự án giáo dục và đạo tạo chuyên ngành phối hợp với Tổ chức quốc tế  pháp ngữ, Cơ quan Đại học Pháp ngữ và các đối tác Pháp ngữ. Tuy nhiên, cũng giống như các nước thành viên ASEAN khác, tại Việt Nam tiếng Pháp đang phải chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng tăng với nhiều ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh đang được sử dụng như ngôn ngữ thương mại quốc tế. Vì thế vấn đề đầu ra là một trong những yếu tố quan trọng mà các bạn trẻ cần tính tới trong việc lựa chọn ngoại ngữ.

Môn tiếng Pháp đã được Bộ GD-ĐT Việt Nam chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc dân từ nhiều năm nay. Kể từ năm 1994, việc giảng dạy tiếng Pháp đã được đa dạng hóa với sự xuất hiện của chương trình tiếng Pháp song ngữ và tiếng Pháp ngoại ngữ 2. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước khác, sức hút của việc giảng dạy tiếng Pháp đang giảm mạnh, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là đầu ra cho học sinh tiếng Pháp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí cho rằng, dù phải đối mặt với nhiều thách thức song việc giảng dạy tiếng Pháp cũng đã khẳng định được vị trí nhất định và được xã hội nhìn nhận, đánh giá cao. Phát biểu tại Hội thảo, bà Anissa Barrack, Giám đốc Văn phòng khu vực Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng tăng, tương lai nghề nghiệp của những người nói tiếng Pháp ở Việt Nam có xu hướng vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào ASEAN, tổ chức đang tích cực xây dựng Cộng đồng khu vực vào năm 2015. Chỉ riêng tiếng Anh sẽ là không đủ.

“Tôi có thể khẳng định, Việt Nam cần tiếng Pháp. Bởi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, dự đoán đến năm 2050, sẽ có khoảng 13% dân số thế giới nói tiếng Pháp, ước tính khoảng 700 triệu người. Việt Nam đang thực hiện chính sách hội nhập quốc tế tích cực, thì biết tiếng Pháp, một ngôn ngữ quốc tế là một lợi thế. Hơn nữa, các cuộc điều tra đã cho thấy, những người học tiếng Pháp ở Việt  Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm một công việc có chất lượng”- Bà Anissa Barrack nói.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí rằng, tiếng Pháp đang có sức sống tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục như vậy. Vì thế, các bậc phụ huynh và các nhà chuyên môn trong giáo dục cần nắm lấy cơ hội mà tiếng Pháp mang lại để có được thành công của cá nhân cũng như mang lại sự tăng trưởng cho Việt Nam./.