Ngày quốc tế Pháp ngữ (20/3) sắp đến, ngồi đếm đã hơn 20  năm gắn bó với tiếng Pháp trong cuộc đời một con người, một phóng viên có tuổi đời hơn 30, cảm xúc thực sự tràn đầy.

tac-gia.jpg
Phóng viên VOV chụp ảnh tại Điện Elysee

Nhớ có lần tôi đã đặt câu hỏi với bố: “Tại sao ngày xưa bố lại quyết định cho con vào học lớp chuyên Pháp cấp 2?”. Và câu trả lời của bố là “có 2 lý do, thứ 1, hồi đó ít người học tiếng Pháp nên có thể sau này cơ hội kiếm việc làm cho con tốt và trong quá trình học hành, con không phải cạnh tranh nhiều. Và thứ hai, bố thích văn hóa, văn học Pháp và muốn con gái tiếp cận nền văn hóa đó”.

Cũng nhớ, khi đặt câu hỏi đó với bố, tôi có đôi chút “bất mãn”: bất mãn vì dù học tiếng Pháp nhưng chỉ thực sự yêu ngôn ngữ và âm nhạc. Nước Pháp không để lại nhiều ấn tượng, phim Pháp luôn bị chê là “khó hiểu”, người Pháp nhiều khi hơi “hình thức và bóng bẩy” và đặc biệt cơ hội tìm được một công việc sử dụng tiếng Pháp không nhiều.

Tại các trường cấp hai, cấp 3 và cả đại học, lớp Pháp luôn trầm lắng hơn các lớp tiếng Anh hay ngoại ngữ khác. Bạn bè làm việc cho cơ quan của Pháp, chủ người Pháp, chê ỏng chê eo. Rồi học thạc sỹ về Pháp ngữ, cảm giác vẫn thấy rất mong manh về tương lai của tiếng Pháp, của Pháp ngữ.

Trái với những gì bố nghĩ, con gái bố phải cố gắng nhiều hơn để phải học tốt cả tiếng Anh để cạnh tranh tốt. Học tiếng Anh song song từ cấp 3 rồi đại học và đặc biệt hơn 10 năm đi làm công tác phóng viên chủ yếu sử dụng tiếng Anh, tôi có cơ hội làm phép so sánh. Tôi công nhận rằng tiếng Anh đơn giản hơn trong sử dụng, nhanh gọn, dễ hiểu hơn trong giao tiếp và có thể vì thế mà tạo hiệu quả cao hơn trong làm ăn, giao dịch. Câu cú ngắn gọn, nhất là tiếng Anh - Mỹ nhiều khi chỉ ghép hai từ đơn vào nhau là thành 1 từ ghép. Trong khi đó, tiếng Pháp, riêng khoản ngữ pháp, rồi từ nối, nhiều khi chỉ khác nhau chút thôi, đã tạo nên những tông giọng hoàn toàn khác nhau, dùng cho những ngữ cảnh riêng biệt.

Hơn 20 năm sau, vài lần đi công tác tại Pháp, đặc biệt là sau 1 năm rưỡi đảm nhận vị trí phóng viên thường trú của Đài tại Paris, cảm nhận về nước Pháp đã “thật” hơn, tiếng Pháp giờ đã thành quen thuộc hàng ngày.

Nước Pháp, kinh đô ánh sáng Paris cũng có những “góc khuất”, hoàn toàn không phải luôn đẹp và thơ mộng khi được học khi bé. Người Pháp cũng quan liêu khủng khiếp, những thủ tục giấy tờ rườm rà đến vô lý, vì những thủ tục đã làm rồi vẫn bị bảo là chưa, vẫn có trát  gửi đến nhà đòi giấy tờ, đòi nộp tiền. Đến con trai cũng hậm hực vì mẹ đi công tác ở một nước nói tiếng Pháp, buộc nó phải học tiếng Pháp từ đầu. Nhưng đến giờ, cu cậu đã nói tiếng Pháp làu làu và luôn giữ điểm cao nhất lớp trong môn tiếng Anh, vì người Pháp không thích hoặc không có năng khiếu trong học tiếng Anh.

Đã hơn 20 năm gắn bó với tiếng Pháp, tôi tự hỏi mình có được gì? Chẳng lẽ chỉ là cảm giác vui vui khi được một người Pháp khen ngợi là người nước ngoài, chỉ học tiếng Pháp ở Việt Nam mà sao nói tốt thế? Hay đúng hơn phải buồn, bởi chính người Pháp cũng hiểu rằng ngôn ngữ của họ ngày càng ít được lựa chọn ở nước ngoài.

Có lẽ cái được nhất của người học tiếng Pháp và cũng là một thách thức, là phải duy trì và nỗ lực để học tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ khác. Bởi ai đó đã nói rằng dân học tiếng Anh nhiều khi ngại học hoặc học ngoại ngữ hai không tốt lắm. Nhưng người học tiếng Pháp thì bắt buộc phải học cho tốt tiếng Anh. Tiếp cận thêm một ngôn ngữ, cơ hội và kiến thức mở mang ra thêm nhiều, khả năng thích nghi tốt hơn, đầu óc cũng cởi mở hơn bởi ta đã có cơ hội so sánh: nước Pháp là thế, tiếng Pháp là vậy; nước khác, ngôn ngữ khác thì sao; không có gì là tuyệt đối, không gì là chỉ có mặt tốt đẹp mà không có điểm yếu riêng…

Sự tự tin cũng nhiều hơn, nhất là khi đi phỏng vấn, đi tác nghiệp ở môi trước quốc tế, với một tổ chức quốc tế, được đặt câu hỏi: “Bạn có thể sử dụng được ngoại ngữ nào: tiếng Anh hay tiếng Pháp?” và tôi tự hào trả lời với con số 2.

Về tương lai của Pháp ngữ? Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu tin rằng toàn cầu hóa với sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa đem lại cơ hội cho Pháp ngữ. Bản thân mình cũng tự củng cố niềm tin khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp với tự đề “Nền Pháp ngữ thứ 3” (được nghĩ ra bởi Giáo sư Michel Guillou –người vừa được tặng Huy chương hữu nghị của Việt Nam); nghĩa là một giai đoạn phát triển mới của Pháp ngữ, nơi cơ hội mở ra trong một thế giới đa dạng hóa và toàn cầu hóa. Nước Pháp với Tổng thống mới Francois Hollande cũng đang chú ý trở lại đến Pháp ngữ, để lấy lại ảnh hưởng (và dĩ nhiên là lợi ích  kinh tế đằng sau đó) tại các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt là Châu Phi.

Để có lòng tin, bản thân những người học tiếng Pháp và rồi những người làm chính sách phải thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận rằng Pháp ngữ chỉ là việc học và dạy tiếng Pháp; chính sách với Pháp ngữ chỉ là một bộ phận trong chính sách với nước Pháp. Không chỉ là ngôn ngữ, tiếng Pháp truyền tải một nền văn hóa, văn minh và nhiều tư tưởng, tri thức của nhân loại.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ giờ có 77 thành viên, rất đa dạng và khác biệt, cũng có nghĩa là cơ hội không hề ít! Hợp tác kinh tế và một vai trò chính trị cho Pháp ngữ trong giải quyết xung đột quốc tế. Đó chính là tương lai, bên cạnh hợp tác truyền thống về văn hóa- khoa học và giáo dục.

Cuối cùng, chúng ta không nên quá kỳ vọng mà phải chấp nhận rằng tiếng Pháp vẫn chỉ là ngôn ngữ thứ hai trong làm việc chính thức tại các tổ chức quốc tế, sau tiếng Anh. Nhưng chúng ta cũng nên lạc quan một chút rằng: hiện chỉ có 2 ngôn ngữ chính thức, không (hoặc chưa) có vị trí thứ 3./.