Chúng ta cần có một chính sách chiến lược bài bản trong quan hệ với Pháp ngữ, phải thay đổi nhận thức giữa quan hệ với nước Pháp và với Pháp ngữ, thì mới có thể đạt được những lợi ích lớn của Việt Nam trong hợp tác Tổ chức Pháp ngữ nói chung, với các quốc gia thành viên trong tổ chức nói riêng. Đó là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Quảng, Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ ; đồng thời là nhà ngoại giao kỳ cựu, nhà nghiên cứu lâu năm về hợp tác Pháp ngữ. Nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/03, PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Quảng về những điểm cần chú ý trong chiến lược phát triển quan hệ với Pháp ngữ.

PV:Thưa ông, kể từ khi Tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT) – tiền thân của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) ra đời vào năm 1970, đến nay,  hợp tác Pháp ngữ đã trải qua hơn 40 năm. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hợp tác Pháp ngữ và sức mạnh của tổ chức hiện nay? 

 

dai-su-trong.jpg

 

PGS, TS Dương Văn Quảng:  Hiện nay phải nhìn nhận Pháp ngữ có 3 lĩnh vực hoạt động chính, lĩnh vực đầu tiên mà khởi thủy khi ra đời là văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục ; thứ hai kể từ cấp cao 7 là hợp tác kinh tế và trong hợp tác kinh tế có một hình thức hiệu quả là hợp tác 3 bên mà chúng ta tham gia rất tích cực. Và lĩnh vực thứ 3 mà tổ chức bắt đầu xây dựng và muốn đẩy mạnh xây dựng từ hơn 10 năm nay là Pháp ngữ chính trị.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã thông qua hai tuyên bố quan trọng là Bamako và Saint-Boniface về vấn đề dân chủ và nhân quyền cũng như trật tự thể chế ở các nước thành viên. Và sau khi thông qua hai tuyên bố này, tổ chức Pháp ngữ đã áp dụng hình thức trừng phạt với các thành viên khi vi phạm hai tuyên bố này, cụ thể như khi tiến hành đảo chính, hay có những hoạt động gây hủy diệt trật tự hiến pháp ở một nước thành viên. Tổ chức Pháp ngữ sẽ ra một hình thức trừng phạt, không phải là khai trừ một thành viên mà ngưng quyền tham gia tổ chức. Hiện nay có 4 nước đang bị tổ chức Pháp ngữ “treo giò”.

Từ khi ông Diouf được bầu làm Tổng thư ký Pháp ngữ năm 2002, Tổ chức này đã được củng cố và xây dựng rất mạnh, đặc biệt hai vấn đề là thể chế của tổ chức Pháp ngữ và vai trò chính trị. Pháp ngữ đã phát huy vai trò trong giải quyết những cuộc xung đột ở các quốc gia thành viên. Mới đây nhất là tại Mali, khi Pháp đưa quân vào Mali, Tổ chức Pháp ngữ đã ủng hộ sự can thiệp của Pháp với những lý do mà chúng ta đã biết qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhiều người hiện nay nhấn đến vai trò chính trị nhưng nhiều người khác lại bảo không phải, mà quan trọng nhất là kinh tế. Bởi các nước thành viên có đẩy mạnh hợp tác kinh tế thì mới đẩy mạnh tiếng Pháp, tiếng Pháp chỉ là công cụ phục vụ cho quá trình hợp tác và bây giờ là hợp tác kinh tế. Bây giờ một số nước, bản thân tổ chức Pháp ngữ nhấn quá nhiều đến vấn đề dân chủ, nhân quyền nhưng ở một nước đang phát triển như các nước Châu Phi nếu bắt áp dụng các tiêu chí về dân chủ như  các nước Châu Âu bây giờ thì thực tế thành quả thu được sẽ rất hạn chế. Chính vì đẩy quá nhanh quá trình dân chủ, nó tạo ra bất ổn về chính trị và vấn đề xã hội. 

PV:Khi Tổ chức Pháp ngữ được ra đời, nhiều nước chỉ trích nước Pháp vì nước Pháp không hào hứng và không nằm trong những thành viên sáng lập ra Tổ chức Pháp ngữ. Vậy với chính quyền của Tổng thống Hollande bây giờ, ông có thấy những dấu hiệu tích cực nào thiết thực đối với Tổ chức Pháp ngữ trong tương lai hay không?

PGS, TS Dương Văn Quảng: Thái độ của Pháp đối với Pháp ngữ thay đổi rất nhiều. Từ những năm 60 người ta đã muốn lập ra tổ chức  Pháp ngữ mà gốc rễ là duy trì những giá trị của tiếng Pháp.

Mới đây nhất khi Tổng thống Francois Hollande nhậm chức, ông đã có 2 diễn văn rất quan trọng liên quan đến chính sách của Pháp ở Châu Phi và thứ hai là chính sách của Pháp trong Pháp ngữ. Đây không phải là một nhưng gắn chặt với nhau, vì các nước đều nhận thức tương lai của Pháp ngữ là ở Châu Phi, vì người ta tính, đến năm 2050, 80-85% người nói tiếng Pháp là ở Châu Phi. Và chính sách của Pháp có nhiều tham vọng, muốn đưa ra cách tiếp cận mới quan hệ Pháp với Châu Phi cũng như với Pháp ngữ.

Nhưng những khó khăn thực tế có thể khiến những tham vọng của các nhà chính trị. Ví dụ:  Pháp muốn gạt bỏ quan hệ đặc biệt nhưng không bình đẳng giữa Pháp với Châu Phi tồn tại hàng chục năm qua là Pháp coi Châu Phi như sân sau của mình. Ông Hollande lên và tuyên bố cái đó không thể tồn tại nữa, mà thay vào là một mối quan hệ bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, tự do, dân chủ. Nhưng thực tế nó không đi theo cái người ta mong muốn, cho nên mới xảy ra câu chuyện Pháp can thiệp quân sự vào Mali không thể làm khác được, tình hình buộc phải can thiệp để duy trì lợi ích của Pháp cũng như duy trì sự ổn định nhất định trong tổ chức Pháp ngữ.

Và Pháp thấy rằng quan hệ với Châu Phi giờ là hợp tác kinh tế bình đẳng, chứ không phải là viện trợ không hoàn lại mà là viện trợ để phát triển, phát triển bền vững chứ không phải phát triển bằng bất cứ giá nào. Những năm vừa qua Châu Phi bị tàn phá về tài nguyên, viện trợ chủ yếu để nhằm những chi tiêu hàng ngày của một đất nước chứ không phải để phát triển. Chính vì vậy, Pháp phải nhìn nhận lại, chính vì vậy Pháp đã đẻ ra một khái niệm mà các nước đã sử dụng lâu rồi là ngoại giao kinh tế. Chính vì thay đổi này nên bản thân trong Pháp ngữ, lĩnh vực kinh tế sẽ được đẩy mạnh trong những thời gian tới. 

 

 

PV:Thưa ông, trong Tết Châu Á mới đây được điện Elysee tổ chức, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói Việt Nam là một nước Pháp ngữ nhưng tỷ lệ người học tiếng Pháp ngày càng giảm sút. Dĩ nhiên, cần giải pháp từ cả hai phía. Về phía Việt Nam, theo ông chúng ta đã có một chiến lược phát triển Pháp ngữ bài bản hay chưa, mặc dù chúng ta đã tham gia vào tổ chức Pháp ngữ rất tích cực và có nhiều đóng góp trong tổ chức?

PGS, TS Dương Văn Quảng:  Nhận xét của Tổng thống Pháp về vấn đề sử dụng, giảng dạy tiếng Pháp đúng với thực tế tại đất nước chúng ta. Có sự suy giảm về giảng dạy, cũng như học tập, sử dụng tiếng Pháp. Nguyên nhân có nhiều. Trong đó, có một nguyên nhân mà chúng ta vẫn nói nhưng tôi nghĩ không phải là nguyên nhân chính, đó là vấn đề toàn cầu hóa, nhưng quan điểm của tôi không phải vậy. Theo tôi, vấn đề giảng dạy, học tập tiếng Pháp phải đặt trong một cái chiến lược chung về phát triển Pháp ngữ. Muốn vậy chúng ta phải có một chiến lược, một chính sách về Pháp ngữ, toàn diện về chính trị- ngoại giao, về hợp tác kinh tế, hợp tác văn hóa- khoa học- giáo dục và đặc biệt gắn với chính sách Châu Phi của chúng ta. Có như thế mới giải quyết toàn cục, chứ nếu chỉ hô hào dạy và học tiếng Pháp không thì không được.

Sử dụng một ngôn ngữ có nhiều mục đích khác nhau, một là để giao tiếp bình thường, học để tìm hiểu một nền văn hóa, tiếng Pháp truyền tải cả một nền văn hóa, nhiều giá trị văn hóa đã được nhân loại, thế giới thừa nhận. Trong tiếng Pháp có thể tìm ra nhiều chủ nghĩa, trào lưu triết học, nhiều tri thức về vấn đề thể chế, pháp luật, nên phải đặt tiếng Pháp như vậy. Thứ hai, tiếng Pháp là ngôn ngữ làm việc thứ hai của các tổ chức quốc tế sau tiếng Anh, không có ngôn ngữ thứ ba, nên khi chúng ta hội nhập, nếu có cán bộ của ta không biết tiếng Anh, và cả tiếng Pháp thì phải xem lại. Thứ ba là vấn đề tuyên truyền. Và đặc biệt là vấn đề Châu Phi. Chúng ta muốn đẩy mạnh quan hệ với Châu Phi. Chúng ta muốn thế giới, đặc biệt là châu Phi biết được Việt Nam là gì, văn hóa Việt Nam là gì thì không thể chỉ có một mình tiếng Anh được mà phải có tiếng Pháp. Phải có một chính sách tổng thể Pháp ngữ.

PV: Cụ thể theo ông, điểm gì chúng ta cần chú ý để xây dựng và triển khai thành công một chính sách Pháp ngữ tổng thể như thế ?

PGS, TS Dương Văn Quảng:  Bây giờ chúng ta vẫn hiểu rằng Pháp ngữ chỉ là một phần nhỏ trong chính sách với Pháp. Không, theo tôi không phải, mà phải ngược lại. Chính sách với Pháp phải xuất phát với chính sách quan hệ với Pháp ngữ, vì Pháp ngữ còn bao nhiêu nước khác nữa.  Chính sách Pháp ngữ phải đa mặt, đa lĩnh vực chứ không một được.

Thành viên của Pháp ngữ rất đa dạng, đa dạng về địa lý, về trình độ phát triển, thể chế chính trị. Ví dụ hai nước lớn trong tổ chức là Pháp và Canada, nằm ở hai châu lục khác nhau, có lợi ích thế mạnh riêng, có cách tiếp cận riêng trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra có các nước Tây Âu, một số nước Đông Âu, Châu Á có Việt Nam, Lào, Campuchia và Vanuatu, và đặc biệt là các nước Châu Phi.

Vì vậy, để phát triển quan hệ với các nước Pháp ngữ, chúng ta cần nhìn nhận dưới hai góc độ đa phương và song phương. Chúng ta phải thay đổi hẳn nhận thức đối với Pháp ngữ. Đương nhiên, điều quan trọng là muốn phát huy vai trò phải phát huy lợi ích của ta. Trong Pháp ngữ, lợi ích của ta không chỉ có câu chuyện sử dụng tiếng Pháp mà có nhiều lợi ích khác nhau, chính trị, ngoại giao, kinh tế, địa chiến lược trong quan hệ với Châu Phi… Chỉ có nhìn nhận đúng lợi ích của ta trong tổ chức Pháp ngữ thì mới đặt ra được một chính sách đúng và từ đó mới thực hiện được. 

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.