Từ cuối năm 2013, đến những tháng đầu năm 2014, tình hình bệnh chó dại diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, bệnh dại đã khiến 2 người tử vong.

cho-tha-rong.jpg
Chó thả rông không tiêm phòng dại là nguyên nhân gia tăng bệnh dại

Theo thống kê của Chi cục Thú y Thanh Hóa, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận hai trường hợp tử vong và 8 người khác bị thương do bị chó dại cắn. Hai trường hợp tử vong là 1 nam giới 60 tuổi ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân và 1 cháu nhỏ 3 tuổi ở thôn 4 xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt thấp; công tác thống kê đàn chó, mèo, một số địa phương làm chưa tốt dẫn đến tình trạng bỏ sót vật nuôi khi tổ chức tiêm phòng...

Trước tình hình này, ngày 12/2, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã cấp 1.000 liều vaccine bệnh dại và 60 lít hóa chất phục vụ tiêm phòng và tiêu độc khử trùng tại xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Chi cục Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng 100% đàn chó, mèo trong vùng dịch. Ông Lê Văn Luận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên đàn chó. Tiêu hủy ngay nhưng đàn chó, mèo ghi mắc bệnh dại. Tập trung các lực lượng tiến hành ngay biện pháp tiêu độc khử trùng môi trường tại các khu gia đình, dân cư, đường làng ngõ xóm tại các thôn có bệnh dại 2 ngày 1 lần. Các thôn tiếp giáp tiêu độc khử trùng 1 tuần 2 lần. Thực hiện tiêm phòng bao vây cho đàn chó mèo với tỷ lệ 100%.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, khi phát hiện người nghi bị súc vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn, trước hết phải nhốt chó hoặc mèo để theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày; sơ cứu vết thương bị súc vật cắn; đến điểm tiêm phòng dại gần nhất để khám và điều trị dự phòng bệnh dại bằng vắc xin dại, huyết thanh kháng dại; cách ly, điều trị người bệnh tại bệnh viện; tránh tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp của bệnh nhân trong suốt thời gian chữa bệnh…/.