Sáng nay (24/5) tại thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã diễn ra hội nghị liên ngành tăng cường phòng chống bệnh dại tại 10 tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam, do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nông lương Thế giới tổ chức. Thông tin tại hội nghị cho biết, bệnh dại là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta và trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 100 người tử vong vì bệnh dại.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ năm 2007 đến nay, cả nước ghi nhận 571 người tử vong vì bệnh dại và gần 400.000 trường hợp bị chó cắn phải tiêm phòng dại.
Miền Bắc có số người chết do bệnh dại cao nhất, chiếm 72% số trường hợp của toàn quốc và tập trung ở 10 tỉnh là Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên và Nghệ An. 90% số ca bệnh dại xảy ra tại vùng nông thôn và gần một nửa bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có mức độ tử vong đứng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta.
Trong số 98 trường hợp tử vong do bệnh dại trong năm qua, có 96 trường hợp không tiêm vaccine sau khi bị động vật cắn và 2 trường hợp tiêm muộn do ở xa dịch vụ y tế, chủ quan hoặc không có tiền để tiêm vaccine.
Hiện Chính phủ chưa có chương trình độc lập để phòng chống bệnh dại và trách nhiệm này thuộc về các tỉnh, thành phố, nên nhiều năm qua có tình trạng nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho phòng chống bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh lây từ động vật sang người do virus gây ra và chó nhiễm bệnh là nguồn lây chủ yếu đối với người. Bệnh dại có thể phòng được nhưng lại được xem là một bệnh đang bị lãng quên.
Theo Cục Thú y, việc quản lý theo dõi đàn chó trong khu dân cư còn lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó rất thấp, chỉ đạt gần 50% đến 64% từ năm 2007 đến 2011. Trong khi đó, mỗi năm nước ta phải tiêu tốn 300 tỷ đồng cho các vấn đề phòng chống bệnh dại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng, việc nâng cao trách nhiệm, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của UBND các cấp đối với công tác phòng chống bệnh dại và các biện pháp tăng cường quản lý, theo dõi đàn chó tại các địa phương./.