- Yên Bái: 124 người bị chó dại cắn, 3 người tử vong
- Đã có 6 người tử vong vì bệnh dại ở các tỉnh Tây Bắc
- Bùng phát bệnh dại tại Sơn La
Từ đầu hè đến nay, bệnh dại trên đàn chó ở Yên Bái diễn biến hết sức phức tạp, với gần 100 con chó được xác định đã mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, khoảng 200 người dân bị chó dại cắn đã bị phơi nhiễm với bệnh dại, trong đó có 9 người đã tử vong. Thế nhưng người dân ở Yên Bái hiện còn rất chủ quan trước sự nguy hiểm của loại bệnh này. Trong khi đó thì đàn chó nuôi chưa được tiêm vacccine phòng bệnh đầy đủ nên dễ bị bệnh.
Mù Cang Chải là huyện có nhiều người dân bị phơi nhiễm bệnh dại nhất, với hơn 130 trường hợp. Trong đó 3 trường hợp đã tử vong là cháu Giàng A Giàng, 11 tuổi, ở bản Dào Cu Nha, xã Lao Chải; anh Hảng A Ký, 32 tuổi, bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình và cháu Lý Thị Sênh, 3 tuổi, ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn.
Theo ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mù Cang Chải, thì các trường hợp tử vong là do sau khi bị chó cắn đã không đi tiêm vaccine ngừa bệnh hoặc đi tiêm khi đã quá muộn. Hiện nay còn một số trường hợp bị chó cắn vẫn chưa chịu đi tiêm nên không loại trừ sẽ còn tiếp tục xảy ra các khả năng xấu.
Ông Nguyễn Văn Thế cho rằng, nhận thức của bà con vùng cao về sự nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế: “Công tác phòng chống bệnh dại gặp nhiều khó khăn, thứ nhất là nhiều chục năm nay trên địa bàn Mù Cang Chải không xuất hiện bệnh dại nên người dân chủ quan, khi bị chó cắn nghĩ là không dại nên không đi tiêm. Họ cũng không thông báo, chỉ khi có trường hợp tử vong mới biết. Thứ hai là một số bà con vì kinh phí hạn hẹp nên khi bị chó cắn phải đi xuống tỉnh tiêm thì không muốn đi. Hiện tại trung tâm đã đặt vấn đề với tỉnh lấy vaccine và huyết thanh về tiêm ngay tại trung tâm để phục vụ bà con cho thuận lợi”.
Không chỉ người dân vùng cao chủ quan với bệnh dại, ngay cả người dân các xã vùng thấp cũng xem nhẹ việc chữa chạy khi bị chó cắn. Một số không đi tiêm vì cho rằng chó nhà không bị bệnh. Một số khác đi cắt thuốc nam hoặc tìm cách chạy chữa khác thay vì báo cáo với chính quyền địa phương và đi tiêm vaccine ngừa bệnh.
Chính vì vậy mặc dù không có nhiều trường hợp bị chó dại cắn như ở huyện Mù Cang Chải, nhưng ở các huyện huyện Yên Bình, Trấn Yên và Văn Yên cũng đã có những trường hợp tử vong do bị chó dại cắn.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho biết, thời gian qua xã Vĩnh Kiên có hàng chục người bị chó dại cắn, trong đó 2 người đã tử vong đều do không đi tiêm vaacine sau khi bị chó cắn.
Tuy được vận động tuyên truyền, nhưng vì điều kiện kinh tế và cả sự chủ quan nên trong đợt tiêm vaccine cho đàn chó của ngành thú y, rất nhiều hộ đồng bào vùng cao, vùng sâu đã không khai báo và không đăng ký tiêm.
Kết quả là mới có một nửa trong tổng số khoảng 100.000 con chó trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tiêm phòng trước mùa hè, trong đó huyện Mù Cang Chải mới có khoảng 23% số chó được tiêm phòng. Cộng với việc người dân thường hày thả rông thay vì nuôi nhốt chó, khiến cho bệnh dại có cơ hội lây lan rất nhanh.
Trước tình hình bệnh dại bùng phát, mặc dù đã tổ chức nhiều đợt tiêm phòng trước hè nhưng hiện nay lực lượng thú y đang phải phối hợp với các địa phương trong tỉnh Yên Bái tiếp tục tiêm phòng bổ sung cho đàn chó.
Bà Đỗ Thị Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: “Tiêm lần này là lần thứ 3 nhưng mới được có 40% tổng đàn, mục tiêu ít nhất là phải tiêm được 80% tổng đàn. Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục đi thông kê và lập danh sách nuôi chó và ký cam kết tiêm phòng. Hộ nào không tiêm đề nghị huyện cho cưỡng chế. Hiện nay, việc tiêm phòng đang tập trung cho Mù Cang Chải đã vì ở đây là lần đầu tiên có bệnh dại nên người dân chưa có nhiều thông tin”.
Trước tình hình phức tạp của bệnh dại trên đàn chó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ra công điện khẩn yêu cầu các ngành, các địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp để nhanh chóng khống chế và hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh dại. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức phòng chống bệnh dại, đặc biệt là tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Công điện của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái là cơ sở để vận động toàn cộng đồng chung tay phòng chống và đẩy lùi bệnh dại trong thời gian tới./.