Sáng nay (14/7), Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Công ty điện tử SamSung Việt Nam tại Thái Nguyên tổ chức hội thảo bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một thông tin được nhiều người quan tâm là thời gian qua, số người bị ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và các vụ ngộ độc lớn có chiều hướng gia tăng tại các khu công nghiệp.

Báo cáo của Bộ Y tế tại hội thảo cho biết, 5 năm qua, cả nước xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, làm 6.566 người mắc, tập trung nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ với gần 43% số vụ xảy ra. Tuy tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể có xu hướng giảm về số vụ nhưng số người mắc lại tăng và ghi nhận nhiều vụ ngộ độc lớn làm hàng trăm người mắc tại các tỉnh Nghệ An, Trà Vinh, Long An và Tiền Giang.  
cong_nhan_ngo_doc_uvze_hekw.jpg
Một ca cấp cứu ngộ độc thực phẩm

Một bất cập lớn hiện nay là nhiều tỉnh có quy định, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải thông báo trước từ 7 đến 10 ngày cho Ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp; do vậy việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại bếp ăn tập thể gặp khó khăn. Mặc dù nhiều đợt kiểm tra được thông báo trước như vừa nêu nhưng các vi phạm về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể còn khá nhiều, chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm chiếm 19%.

Các vi phạm khác như điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn phòng ăn không đạt tiêu chuẩn và vi phạm về lưu mẫu chiếm hơn 16%; vi phạm đối với trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm chiếm hơn 14% và vi phạm về sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc chiếm gần 10%. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Có những địa phương, 8 trên 18 bếp ăn tập thể của một công ty không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát của tuyến dưới rất yếu. Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi còn thấy một thực trạng, nhiều doanh nghiệp để giá trị khẩu phần ăn của một suất ăn cho công nhân thấp, có nơi chỉ có từ 10.000 đến 12.000/1 suất ăn, bao gồm cả lãi của đơn vị cung cấp suất ăn”.

Trao đổi các kinh nghiệm và thảo luận về giải pháp hạn chế ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm cần có cán bộ đặc trách công tác này; đồng thời nghiên cứu các chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu cũng như khuyến cáo về định mức dinh dưỡng cho mỗi suất ăn của công nhân tại bếp ăn tập thể. Bên cạnh việc tăng cường hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng vẫn hoạt động như hiện nay./.