Anh là Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý trong Đài phát thanh quốc gia, lăn lộn ở nhiều vùng miền đất nước, đồng thời gặt hái cả một bộ “huy chương” với 7 giải báo chí toàn quốc và quốc gia đủ loại từ A, B, đến C. Dẫu vậy, mỗi lần gặp anh, tôi vẫn thấy toát lên khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong nghiệp báo và được thành công cùng mọi người.
Lê Phúc, người từng 2 lần đoạt giải A báo chí quốc gia, tâm sự “thành công của mình hiện nay nhờ 1 phần đáng kể vào lửa nhiệt huyết truyền từ anh Hùng. Ở cơ quan nhà nước, không ít người có tâm lý an phận thủ thường, chỉ cần có công ăn việc làm ổn định là xong. Nhưng anh Hùng thì khác, anh lúc nào cũng muốn bài vở chất lượng hơn. Lâu dần tính đó của anh lây sang cả mình.”
Vì say nghề nên anh Hùng khá “khắt khe” trong công việc. “Hồi anh Hùng phụ trách Chương trình Nông nghiệp, thú thực ban đầu mình ngại đưa bài duyệt lắm, vì anh hay sửa và phê bình, mình chẳng thích,” Phúc kể tiếp. “Mình hay đưa bài cho người quản lý khác “dễ” hơn, duyệt đại khái hơn… Nhưng rồi sau 1 thời gian mình lại chỉ muốn để anh sửa bài và học được nhiều từ cách sửa của anh”.
Theo nhà báo Lê Phúc, anh Hùng không chỉ có năng lực phát hiện vấn đề mà còn có khả năng biên tập rất tốt. “Tôi học được ở anh khả năng nâng tầm bài viết lên, đưa giá trị gia tăng vào. Nói nôm na, lúa mình gặt về còn vương rơm và trấu, qua bàn tay sàng lọc của anh thì những cọng rơm và hạt lép được gạt hẳn sang một bên, để lại những hạt mẩy, đẹp đẽ nhất.”
Là một cây bút bình luận (bút danh Phạm Kinh Bắc) nhưng anh Hùng không ngại thừa nhận nhiều lần bị chê viết chưa tới. Anh nói: “So với các đại thụ trong làng báo, mình chỉ là cây nấm nhỏ. Đừng nghĩ mình là sếp, cái gì cũng biết tuốt. Nhà báo trước hết phải là người biết lắng nghe, không giấu dốt. Và quan trọng là phải biết chấp nhận sai lầm, thất bại, chấp nhận trả giá để đứng lên từ đó.”
Liên quan kỹ thuật viết thể loại này, anh chia sẻ đã học hỏi rất nhiều từ các bình luận viên lão thành như Hữu Thọ, Chu Thượng, Phan Quang… đồng thời khẳng định ngày nay đòi hỏi đối với bài bình luận cao lên rất nhiều, người cầm bút phải có lý lẽ sắc sảo, chứng mình bằng thông tin, dẫn chứng để người nghe thực sự thấy thuyết phục.
“Trong môi trường báo chí hiện đại, không làm việc theo nhóm sẽ rất khó thực hiện các tác phẩm lớn. Để điều tra 1 đề tài lớn đòi hỏi phải làm rất nhiều việc từ nghiên cứu tới phỏng vấn, đi tác nghiệp ở các địa phương, rồi tập hợp lại cho ra tác phẩm. Hợp tác trong nhóm sẽ giúp trao đổi, phản biện, hỗ trợ nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Trong mỗi nhóm đều có những người then chốt, có kinh nghiệm, những người dìu dắt định hướng, giống như là thợ cả, còn những người xung quanh làm dần từ đơn giản đến phức tạp, sau 1-2 năm có thể tự bay đơn được… Tôi coi đây như 1 dòng chảy tự nhiên, 1 kiểu truyền lửa, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cùng lòng nhiệt huyết và thái độ nghiêm túc với nghề.”
Khi được hỏi về băn khoăn đối với nghề báo hiện nay, anh cho biết cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông rất khốc liệt, nếu ai bằng lòng với những gì đã đạt được thì sẽ tụt hậu ngay. Ánh mắt có phần đăm chiêu, anh nói: “Cơ quan báo chí mà không có công chúng hoặc đánh mất dần công chúng thì sẽ chẳng nói được ai. Những người làm báo có trách nhiệm sẽ luôn nghĩ phải làm thế nào để người ta nghe mình, tin mình, qua đó mới thực hiện được nhiệm vụ báo chí vừa là kênh thông tin chính thống vừa là diễn đàn của nhân dân.”
Nói đến báo trực tuyến, anh Phạm Mạnh Hùng sôi nổi hẳn. Anh khẳng định không gian mạng là không gian sinh tồn tương lai của báo chí. Và thế là anh lại say sưa nói về báo điện tử, tiền đồ của nó, những cái hay của nó, như đo được độc giả này, phản hồi ngay này, tính tương tác cao hơn cả phát thanh và truyền hình, người làm báo luôn phải năng động và chịu sự giám sát phê phán của độc giả.
“Tít phải hấp dẫn, nhưng giật tít không đồng nghĩa với giật gân. Có nhiều tờ báo họ quá đà, tít thế này nhưng nội dung lại khác, treo đầu dê bán thịt chó hoặc giật gân theo hướng chiều theo thị hiếu tầm thường”.
Tôi vặn lại, báo chính thống thì làm thế nào để hút công chúng, anh xua tay: “Công chúng Việt Nam rất quan tâm đến chính trị. Không phải làm báo chính thống là ít người đọc đâu, tôi lấy bằng chứng là những bài về Đại hội Đảng, danh sách các vị trúng cử ủy viên TW, danh sách các đại biểu Quốc hội hay những vấn đề căng thẳng trên biển Đông, quan hệ các nước ở ASEAN thì vào "top hit" ngay, chứng tỏ công chúng rất quan tâm đến chính trị. Nếu chúng ta biết khai thác chính trị trên cơ sở bản lĩnh vững vàng, làm việc sáng tạo và trách nhiệm thì những đề tài chính trị vẫn ăn khách”.
Phạm Mạnh Hùng cười, nói thêm: “Tôi viết cho phát thanh nhưng tâm thế là viết cho báo điện tử và báo viết để câu chữ được chặt chẽ. Những bài này khi được dùng lại trên báo điện tử thì thường ít phải sửa”.
Anh bảo có 2 sở thích, một là cà phê với bạn bè báo chí, hai là lướt web suốt ngày để đọc tin tức, ghé các blog và các mạng xã hội, vừa để phục vụ công việc, vừa để “nạp thêm thông tin”.
Tôi hỏi nếu được chọn lại, anh sẽ chọn nghề nào? Phạm Mạnh Hùng trầm ngâm: “Thực ra cũng chả biết chọn nghề nào khả dĩ hơn nghề báo”./.