Làm mảng tin bài về thế giới một thời gian, tôi nhận thấy nhiều người nhận xét rằng “cái quốc tế” là sướng nhé, không phải đi lại ngoài nắng gió. Có đồng nghiệp còn bông đùa người làm quốc tế như cây ATM (=automatic translation machine), hàm ý ví như các máy dịch tự động (quả thật bây giờ cũng có nhiều phần mềm hỗ trợ dịch thuật). Nói như vậy hài hước thật đấy nhưng cũng có phần “oan” cho anh chị em làm mảng này.
Cái mảng tin bài quốc tế tôi nói ở đây là tin bài thông tin về xứ người nhưng phục vụ dân mình, chứ không phải tin bài quốc tế phục vụ đối tượng công chúng nước ngoài. Tất nhiên, trừ những trường hợp như các sự kiện quốc tế tổ chức ở Việt Nam, một số chuyến công tác ra hải ngoại của anh chị em mảng quốc tế, hay anh chị em thường trú nước ngoài, nói chung công việc này thiên về khai thác, chứ không phải tự mình đến hiện trường, nắm bắt sự kiện và viết phản ánh.
Tuy nhiên nếu anh chị nào có điều kiện đi sâu vào mảng tin bài quốc tế này thì sẽ thấy công việc bếp núc của nó cũng lắm chông gai, không đơn giản chỉ là “lấy đâu đó ra và sử dụng”.
Một biên tập viên của VOV online làm việc trong ca trực (ảnh: Huy Phương) |
Sức ép về thời gian thì cũng như các anh chị em làm thời sự nội địa thôi. Vì thứ nhất, sự việc diễn ra 24/7 (thế giới mà). Những lúc ta đang ngủ thì bên kia địa cầu người ta lại đang thức. Nếu muốn tin sớm, cũng phải thức đêm. Thứ hai là nhịp độ/cường độ. Tin quốc tế luôn ào ra nhanh lắm, không cẩn thận là bị "chìm nghỉm" ngay. Do đó cũng phải xác định yếu tố khu vực, tầm quan trọng của tin, ảnh hưởng của nó đến quan hệ ngoại giao giữa nước ta và nước khác. Tức là phải lọc tin, thẩm định, đối chiếu... Nếu không căng đầu ra thì nguy cơ mắc lỗi (thậm chí nghiêm trọng) là rất cao. Nói chung có nhiều thứ áp lực mang tính báo chí, mà không hiểu các máy dịch đã tính đến chưa?
Đành rằng có khai thác nguồn nước ngoài, nhưng chắc chắn đây không phải là dịch mật mã kiểu 1-1 rồi. Nếu dịch tin bài quốc tế như vậy thì kể cũng "nhàn" thật, chỉ cần người chuyển mã là xong. Phương pháp dịch thì nhiều lắm, nhưng trong báo chí, nhìn chung phải cân bằng giữa đích và nguồn, phải đảm bảo tốt cả tính tự nhiên và tính trung thành, chứ không phải lúc nào cũng dịch theo phong cách “công chứng” được.
Chả thế mà giảng viên báo chí Vũ Quang Hào (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã dành cả chục trang trong cuốn Ngôn ngữ Báo chí để nói về vấn đề này. Trong đó, thầy Hào đã cẩn thận dùng thêm chữ “chuyển dịch” để phản ánh hết đặc thù của “dịch báo chí”. Thầy cũng khẳng định “các biên tập viên thông tấn trước hết và chủ yếu là các nhà báo chứ không phải là nhà dịch thuật”.
Thầy Hào ghi nhận, “công đoạn này (làm tin quốc tế-NV) đòi hỏi một khả năng lao động báo chí rất cao”, người biên tập viên quốc tế phải đồng thời thạo ngoại ngữ, nắm chắc bản ngữ, và có khả năng tốt về xử lý thông tin và chuyển dịch (như vậy, nếu chỉ biết ngoại ngữ thì rõ ràng chưa đủ).
Thật ra, ngay cả thể loại dịch văn bản để cung cấp thông tin tham khảo cũng đã không phải là dịch 1-1 “kiểu mật mã” rồi, dù cho trong dịch tham khảo, mục đích chính là phản ánh đầy đủ nhất, sát nhất ý tứ tác giả văn bản gốc.
Trong dịch báo chí cho phương tiện truyền thông đại chúng lại có thêm những đặc thù riêng. Bản gốc nhằm nhóm đối tượng này (chẳng hạn phương Tây, tôi gọi là nhóm A), bản chuyển dịch lại phục vụ một nhóm đối tượng khác (người Việt trong nước, tôi gọi là nhóm B). Như vậy có sự xê dịch về nhu cầu và kiến thức nền. Có những điều là đương nhiên, là mặc định với nhóm độc giả A nhưng với nhóm độc giả B lại là mới toanh. Thành thử, dịch báo chí không chỉ là chọn lọc tin để dịch, rồi lựa những phần quan trọng trong tin để dịch mà còn là bổ sung thêm những thông tin nền cần thiết để độc giả hiểu và không thấy quá lạ lẫm. Công tác dịch thuật báo chí vì vậy sẽ vất vả hơn.
Như vậy ngay cái gọi là “chuyển ngữ” thôi cũng đã cần đến phông kiến thức và nỗ lực tìm kiếm thông tin bổ trợ, để biên tập viên trước hết hiểu, sau đó có thể chuyển dịch “nuột”.
Tất nhiên đi sâu vào cái “chuyển dịch” này sẽ lại động đến lý thuyết dịch và lý luận báo chí, nên tôi sẽ không lạm bàn ở đây. Ý tôi muốn nhấn mạnh là riêng việc dịch báo chí đã không đơn giản như mới nhìn thoáng qua.
Song công tác làm tin bài quốc tế như tôi thấy không chỉ giới hạn vào việc chuyển dịch mà còn gồm nhiều mảng khác nữa. Như viết lại (trong đó ta phải làm chủ ngòi bút của mình) để diễn giải lại thông tin của người khác dưới dạng ngắn ngọn hơn và dễ hiểu hơn. Hay tổng hợp sâu theo chuyên đề đối với những vấn đề lớn, quan trọng được nhiều độc giả quan tâm.
Có chị từng làm quốc tế tâm sự với tôi rằng để có được bài bình luận, bài tổng hợp các vấn đề quốc tế cũng mệt lắm, không đơn giản đâu, phải trăn trở mãi. Rồi còn phân tích mổ xẻ các vấn đề, đưa ra chính kiến của mình nữa. Mảng dịch đã khó rồi, sang các phần việc này lại đòi hỏi thêm kiến thức nền sâu, sự lao động cật lực trên từng tư liệu, từng góc tiếp cận, từng ý tưởng và từng con chữ để cho ra tác phẩm có chiều sâu, phần nào giúp công chúng hiểu rõ bản chất các sự kiện quốc tế…
Câu chuyện kiến thức nền quả thực cũng nhiều điều để nói. Nghe qua sẽ có người nói “thường thôi” vì làm nhà báo ở mảng nào mà chả cần kiến thức nền. Nhưng cũng giống báo chuyên ngành, mảng quốc tế có sự chuyên biệt cao với cả núi kiến thức, không chỉ gồm lý luận về quan hệ quốc tế. Thì, tin quốc nội còn nhiều như thế mà. Việt Nam mình nhỏ như vậy thôi mà hàng ngày có bao nhiêu sự kiện - đơn giản có phức tạp có, từ bắc chí nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ đất liền ra tới hải đảo. Vì thế cả quả địa cầu kia, với mấy tỷ dân luôn trong dòng chuyển động và hàng trăm quốc gia với các toan tính lợi ích, hà cớ sao lại ít vấn đề phức tạp cơ chứ? Chuyện trong nước nhiều khi còn chưa tỏ tường được, huống chi việc nước người, tận bên kia bán cầu với muôn hình vạn trạng.
Đất nước đang hội nhập từng ngày từng giờ. Các nhà báo phụ trách mảng thông tin thế giới đã và đang làm việc tích cực để công chúng Việt Nam có được nhiều thông tin chính xác, nóng hổi về tình hình thế giới, làm cầu nối giữa người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Không những vậy, họ còn là điểm định hướng trong bể thông tin vô tận của kỷ nguyên tin học và toàn cầu hóa.
Nhân dịp 21/6, xin chúc các nhà báo chuyên mảng thời sự quốc tế trong cả nước nói chung và ở VOV nói riêng dồi dào sức khỏe và ngày thêm yêu công việc khó khăn nhưng cũng rất đỗi thú vị và ý nghĩa này./.