Báo chí gắn liền với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, từ thế kỷ 17. Trong xã hội tư bản, sản phẩm báo chí được xem như hàng hóa và các cơ quan báo chí thường là các doanh nghiệp. Điều này khác với thực tế ở các nước XHCN, nơi báo chí không lấy kinh doanh làm cứu cánh; hoạt động quảng cáo, bán các sản phẩm báo chí nếu có đều nhằm bù chi, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và đầu tư vào bản thân sự nghiệp báo chí.

Sang thế kỷ 19, truyền thông đại chúng bắt đầu nở rộ ở phương Tây. Nguồn thu chính chuyển từ bán báo sang quảng cáo. Để có doanh thu quảng cáo cao, các tờ báo (sau này có thêm các đài truyền hình) đã đặt ra chuẩn mực ‘khách quan báo chí’ nhằm thu hút tối đa lượng độc giả vì giá quảng cáo phụ thuộc vào tia-ra. Các chủ bút khuyến khích phóng viên, biên tập viên trình bày vấn đề ở mọi góc cạnh, tránh đưa tin quá mạnh, cốt làm hài lòng tất cả các bên và không gây mếch lòng “khách hàng tiềm năng”.

Một nguyên nhân khác đằng sau tính khách quan báo chí phương Tây là sự ra đời các hãng thông tấn – họ bán tin đồng thời cho nhiều tờ báo và tổ chức truyền thông, và do vậy buộc phải sản xuất tin theo lối “dung hòa” mới đáp ứng được các tờ báo với phong cách và định hướng chính trị khác nhau. 

phong%20vien%20phuong%20tay%20tac%20nghiep.jpg

Phóng viên phương Tây tác nghiệp (ảnh: CAIB)

Chẳng hạn, hãng thông tấn AP (Associated Press) của Mỹ ra đời năm 1846 như một tổ chức hợp tác của các báo ở New York, có nhiệm vụ trao đổi và cung cấp tin bài cho các báo đó. Sau này khi AP mở rộng, có thêm sự tham gia của các đài phát thanh, truyền hình trên đất Mỹ, không chỉ cung cấp tin cho nội bộ truyền thông Mỹ mà còn bán tin cho các khách hàng nước ngoài thì tiêu chuẩn “trung lập” càng cao hơn nữa.

Như vậy, có thể thấy sự khách quan của báo chí phương Tây bắt nguồn trước hết từ lợi nhuận.

Nhưng liệu truyền thông phương Tây có khách quan hoàn toàn như chính phủ nước họ nhiều khi tự miêu tả?

Thực tế có vẻ không hẳn như vậy. Lợi nhuận một mặt tạo ra sự khách quan nói trên (và cả chuyên nghiệp nữa – nhiều nhà báo phương Tây sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh hoặc mạo hiểm đến những nơi gian khó khác – vừa được tôn vinh, vừa có thu nhập, lại được bảo hiểm rất cao), một mặt khiến báo chí nhạt nhòa hời hợt, đưa tin chỉ xuất phát từ lợi ích của nhóm thiểu số giàu có. Điều này đã được chính nhà báo Mỹ Bagkidian ghi nhận trong cuốn Độc quyền Truyền thông. Theo ông, các tờ báo và hãng phát thanh-truyền hình (Mỹ) muốn có được tất cả các khách hàng giàu có bất chấp lợi ích chính trị của các nhóm khác. Hệ quả là các báo né tránh đưa tin về dân cư nghèo và các vấn đề của họ. “Những vấn đề tác động lên các cộng đồng thu nhập thấp, nhìn chung không trở thành tin tức cho tới khi chúng bùng nổ và làm ảnh hưởng đến nhóm khách hàng khá giả.”

Xét về nghiệp vụ, “khách quan thực thụ” dường như là điều không thể trong thực tiễn. Vì rằng các báo tất yếu phải lựa chọn 1 quan điểm khi họ quyết định vấn đề nào sẽ được phản ánh hoặc bị bỏ qua, cái nào sẽ lên trang nhất, và các nguồn tin nào sẽ được trích dẫn. Riêng Bagkidian còn nêu bản chất chủ quan không tránh khỏi của nghề báo. Ông phân tích: mỗi bước cơ bản trong thao tác báo chí đều gắn liền với 1 quyết định chất đầy giá trị, từ lựa chọn sự kiện (trong vô số sự kiện về 1 đề tài), đến lựa chọn chi tiết để ghi chép và lựa chọn chi tiết để đưa vào tin bài, cũng như cách trình bày các chi tiết… Không có thứ nào trong số này, ông khẳng định, là thực sự khách quan cả. Dẫu vậy, Bagkidian viết, các kỹ thuật nghiêm ngặt của “khách quan” lại tạo ra cái vẻ giả tạo khoa học.

Phương Tây còn nói đến cân bằng khi đưa tin, nghĩa là các bên trong sự kiện đều được nhắc đến và có cơ hội cất lên tiếng nói của mình, coi đây như một biểu hiện của khách quan. Tuy nhiên, khách quan kiểu trung lập hoặc phi đảng tính đã bị các nhà báo theo trường phái cổ xúy chỉ trích là không phục vụ gì cho công chúng, thậm chí có hại, do không phản ánh đúng chân lý.

David Mindich, một giáo sư và nhà phê bình truyền thông người Mỹ, đã nêu 1 ví dụ điển hình về tác hại của cách đưa tin cân bằng nói trên. Trong cuốn Just the Facts, ông đã phân tích về cách các tờ báo Mỹ, đặc biệt là New York Times, đưa tin về việc hàng ngàn người Mỹ da đen bị người da trắng hành hình theo kiểu lin-sơ vào cuối thế kỷ 19. Tin tức thời đó đã lạnh lùng mô tả các đám đông da trắng treo cổ, thiêu sống, hoặc tùng xẻo người Mỹ gốc Phi ra sao. (Nguyễn Ái Quốc trong một bài báo tiếng Pháp năm 1924 cũng nhận xét: báo chí Mỹ những năm trước và sau 1920 đã tường thuật cảnh băm vằm một cách thản nhiên “không một lời trách móc hướng vào bọn giết người, không một lời thương xót với nạn nhân, không một lời bình luận”.) Với lý do khách quan, các nhà báo đã cân bằng các mô tả trên bằng cách nêu ra những cáo buộc về việc các nạn nhân đã vi phạm pháp luật – nguyên nhân cho cơn thịnh nộ của đám đông da trắng. Mindich lập luận rằng cách làm này dẫn đến hiệu ứng bình thường hóa hành vi giết người kiểu lin-sơ (man rợ, bất công, không cần xét xử).

Năm 2008, Ken Silverstein, một nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ, cũng tuyên bố: “Cân bằng” không phải là công bằng, đó chỉ là cách để người ta dễ dàng trốn tránh việc đưa tin thực sự… và lẩn tránh trách nhiệm thông tin cho độc giả. 

Báo chí phải nhập thế

Saed, học giả Palestine: “Không có khách quan tuyệt đối” (ảnh: Hiếu/VOV)

Saed Abu Hijileh, một học giả-diễn giả người Palestine tham dự Hội nghị Báo chí châu Á (AMS) 2011 vừa tổ chức tại Hà Nội, cũng chỉ trích gay gắt tính khách quan kiểu phương Tây. Trao đổi với phóng viên VOV bên lề hội nghị, ông cho rằng không có khách quan tuyệt đối và người làm báo không thể chỉ dừng lại ở chỗ miêu tả tình hình - anh ta phải chỉ ra vì sao nó tệ và giải pháp cho nó. “Khi nhìn nhận bất cứ hiện tượng nào anh cũng phải tìm cho ra gốc rễ của vấn đề… Khách quan trước hết là phải đào sâu để xác định bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội. Trình bày vấn đề thoát ly bối cảnh của nó tức là nông cạn và đánh lừa mọi người.”

Về truyền thông phương Tây trong đó có Mỹ, Saed nói thẳng: họ “thân chủ nghĩa tư bản, thân tập đoàn to, thân Israel… và chống lại Iran và người Ả-rập”. Theo Saed, sự khách quan phương Tây chỉ là hình thức, câu chữ mà thôi. “Tất cả họ đều tuyên bố cổ vũ dân chủ, nhưng dân chủ ở đâu? Dân chủ cho người giàu á? Thế những gì đã xảy đến với những tiếng nói bị gạt sang bên lề ở Mỹ, châu Âu và châu Phi?”

Ngoài việc làm sáng tỏ hiện tượng, Saed nói, còn phải cổ xúy hành động chống lại áp bức bất công cũng như tham nhũng, vì tiến bộ xã hội. Trong bài phát biểu hôm khai mạc hội nghị AMS, ông đã đề cập đến khái niệm nhà báo-nhà hoạt động và nhà hoạt động-nhà báo, thể hiện sự xâm nhập lẫn nhau giữa người làm truyền thông và nhà hoạt động. Nếu nhà hoạt động tích cực dùng truyền thông làm phương tiện để đạt mục đích của mình thì nhà báo cũng không nên “dửng dưng” trước nhân tình thế thái.

Liên quan đến truyền thông xã hội đang nổi lên, Saed cũng cảnh báo phải cảnh giác với khả năng các chế độ “xấu” lợi dụng chính các mạng xã hội để xúi bẩy các phần tử bất đồng chính kiến chống lại các chế độ “tốt”.

Trong khi đó, những người mác-xít khẳng định trong xã hội phân chia giai cấp, báo chí bao giờ cũng mang tính khuynh hướng, tức là luôn đứng về 1 giai cấp hoặc 1 nhóm xã hội nào đó. Thực tế đã chứng minh, dù báo chí các nước tư bản phương Tây có tuyên bố trung lập khách quan đến đâu chăng nữa thì các nước này vẫn có các đạo luật chặt chẽ để điều chỉnh báo chí đi “đúng lề”, không được xâm phạm quyền lợi của giai cấp tư sản. Quy chế báo chí của chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam Việt Nam, ra tháng 12/1969, cũng quy định rõ báo chí không được đăng tin bài đề cao cộng sản hay trung lập thân cộng và các chủ bút, quản lý không được là những người có xu hướng cộng sản.

Báo chí vô sản tất nhiên cũng mang tính khuynh hướng chính trị, biểu hiện ở cấp độ cao là tính Đảng. Do tính Đảng thống nhất với tính khoa học nên báo chí cách mạng Việt Nam công khai bản chất giai cấp của mình, cũng giống như những người cộng sản không che giấu bản chất của Đảng mình (đảng cộng sản), không như các đảng phái tư sản xưa nay không dám tự xưng là tư bản mà phải núp dưới những danh xưng chung chung hoặc những cái tên mang hơi hướng cánh tả như xã hội, dân chủ, thậm chí là lao động hoặc công nhân.

Hô hào tư nhân hóa báo chí ở Việt Nam là không hiểu, cố tình không hiểu những sự thực khách quan trên, hoặc tệ hơn, là cố tình thổi phồng “khách quan” một cách chung chung để phi chính trị hóa nền báo chí cách mạng Việt Nam, tương tự như ai đó trong nước và bên trời Tây đòi tách quân đội và công an nhân dân khỏi sự lãnh đạo của Đảng, từ đó giúp vô hiệu hóa Đảng, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nhà báo Việt Nam càng phải quán triệt làm báo là hoạt động chính trị. Chính trị ở đây không chỉ là viết về chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đấu tranh chống quan điểm sai trái và diễn biến hòa bình… mà còn bao gồm thực hiện nghĩa vụ xã hội, cổ vũ nhân tố mới, phê phán tiêu cực xã hội, nâng cao dân trí, tham gia bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển bền vững… Nói cách khác, nhà báo không thể đứng giữa, họ phải nhập thế, một cách tích cực và có trách nhiệm./.