Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% năm 2010, xuống dưới 4,5% vào năm nay. Riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%.

Tuy nhiên, nhìn lại công tác giảm nghèo cho thấy còn những tồn tại. Ở nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm hơn 50% dân số, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền vẫn là tồn tại dai dẳng, chính sách giảm nghèo nhiều nhưng vẫn bỏ sót đối tượng... Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về nội dung này.

thu_truong_bo_ld_hjmx.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm trả lời phỏng vấn báo chí 

PV:Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết, đâu là cái được lớn nhất của công tác giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Trong 5  năm qua, chúng ta tiếp tục khẳng định ở trong nước cũng như cộng đồng quốc tế là điểm sáng về giảm nghèo. Mặc dù khó khăn về nguồn lực, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên đặc biệt cho cho chương trình giảm nghèo và các chính sách giảm nghèo. Cho nên, tỷ lệ giảm nghèo chúng ta thực hiện được mục tiêu Quốc hội đề ra và chuyển biến rất nhanh ở vùng khó khăn, vùng nghèo. 

Như vậy, bình quân các huyện nghèo 30a, giảm được trên 5%, còn cả nước giảm được 2% tỷ lệ hộ nghèo cho cả giai đoạn. Bên cạnh đó, quan trọng nữa là bộ mặt miền núi, dân tộc được cải thiện rõ ràng. Chúng ta tác động đến cả 2 nhóm vấn đề, một là tác động để hộ nghèo phát triển sinh kế, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Nhóm nữa là tác động vào cộng đồng, đầu tư cho hạ tầng để cải thiện đường, điện, thủy lợi và các công trình để người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục thì rất là tốt.

PV:Có thể nói, những kết quả về giảm nghèo trong 5 năm qua là đáng ghi nhận, song nhìn lại chặng đường đã qua, với cương vị là người được giao phụ trách về lĩnh vực giảm nghèo của Bộ LĐ-TB& XH, điều gì khiến ông còn trăn trở?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Nhiều năm được Bộ LĐ-TB& XH phân công phụ trách lĩnh vực giảm nghèo, đến giờ tôi thấy vẫn còn nhiều trăn trở. Thứ nhất là hệ thống chính sách sau quá trình 20 năm làm giảm nghèo, đến nay chúng ta có hệ thống chính sách tương đối toàn diện, đầy đủ nhưng chúng ta thiết kế nó thiếu tính hệ thống, các Bộ, ngành cần tập trung để rà soát, đánh giá lại chính sách, nhưng đánh giá nó chưa thực sự thấu đáo lắm. Đó là cái mà tôi thấy trăn trở, bởi bây giờ mục tiêu của chúng ta là làm thế nào chuyển từ việc người nghèo thụ động hưởng chính sách của Nhà nước, bây giờ phải chủ động để vươn lên, Nhà nước chỉ là “bà đỡ” hỗ trợ thôi. 

Cái đó tôi thấy mấy năm nay chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, nhưng việc rà soát để đánh giá và kết luận xem chính sách nào là hiệu quả để chúng ta tiếp tục, chính sách nào nên dừng thì các Bộ cũng chưa chỉ ra được nhiều. Trăn trở nữa, cũng là do chính sách nên bây giờ đang có xu hướng người dân và cộng đồng các thôn bản, các xã vẫn có tâm lý thích nằm trong diện nghèo. Việc này trái với mong muốn của chúng ta. Việc làm thế nào để mọi người phấn đấu vươn lên, sau 2 năm, 3 năm và 5 năm người ta phải tuyên bố được với địa phương, với cả nước là chúng tôi đã thoát nghèo, thì cái đó giờ chưa có được.

PV:Vậy theo ông, phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều cho giai đoạn 2016 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có giải quyết được những tồn tại trong công tác giảm nghèo hiện nay không?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Vấn đề tiếp cận nghèo đa chiều nó ở một góc độ khác. Nếu nói nó có thể giải quyết được vấn đề nghèo hay không lại phải xét ở góc độ mình tiếp cận đa chiều trên cơ sở tiếp cận được quyền đảm bảo an sinh của người dân. Đa chiều không chỉ còn là lo mỗi thu nhập của người dân, tiền thu nhập hàng tháng của người và mức sống của họ theo đồng tiền đó, mà xem đồng tiền đó có được sử dụng để mà tiếp cận các dịch vụ xã hội khác cho nhu cầu cuộc sống của mình hay không, thì đấy là cách tiếp cận của chúng ta. 

Trước đây, có thể chúng ta chỉ quan tâm đến thu nhập của người dân, nhưng có người có thu nhập rồi nhưng vẫn thiết hụt về học hành, vẫn thiếu hụt về môi trường môi trường sống an toàn, vẫn thiếu hụt về nước sinh hoạt hay là y tế… thì bây giờ chúng ta tiếp cận nó toàn diện như thế. Tôi tin tưởng rằng, nếu chúng làm tốt thì sẽ khắc phục được vấn đề giảm nghèo chưa bền vững. Nếu mà giảm nghèo đa chiều tốt thì giảm nghèo sẽ bền vững hơn.

PV:Vâng, xin cảm ơn ông./.