Phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức sáng 18/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị các đề tài nghiên cứu phải phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo vùng Tây Bắc.

ong_phuc_1_szqf.jpgPhó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc là một phần công việc trong Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì. Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương khu vực Tây Bắc đánh giá, cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về khoa học mà cả thực tiễn.

Trên cơ sở đó nghiên cứu đánh giá, xây dựng chiến lược cho phát triển khu vực, phát triển ngành, phát triển và quản lý địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, trong khi nguồn lực còn ít, cần tập trung lựa chọn dữ liệu phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, trên cơ sở tổng hợp kế thừa dữ liệu sẵn có của các ngành, của tỉnh, của quốc gia.

Ông Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị số liệu đưa ra phải góp phần giải được bài toán cho phát triển kinh tế - xã hội

Ông Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, tính thực tiễn của cơ sở dữ liệu phải là yêu cầu đầu tiên: “Nếu khung dữ liệu chỉ dừng lại ở mức độ thu nạp, cập nhật, giới thiệu thông tin thì chưa đủ. Tôi nghĩ rằng, để có hiệu quả cao hơn khi đưa ra số liệu này thì tác động tổng thể đến kinh tế, xã hội ra sao. Khi có vấn đề phát sinh thì tác động tiếp theo sẽ như thế nào. Đưa ra số liệu thì phải có bài toán cho những kết quả tiếp theo. Đấy mới có giá trị thực tiễn và các địa phương mới áp dụng được”

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc là chương trình nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, yêu cầu phải đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả, cung cấp luận cứ và giải pháp khoa học nhằm góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững ở vùng Tây Bắc. Để triển khai hiệu quả Chương trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị chủ trì tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban chỉ đạo Tây Bắc, với các Bộ, ngành, cơ quan khoa học, nhất là với các địa phương trong vùng để tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đạt kết quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đề tài trong Chương trình phải đưa ra được các sản phẩm áp dụng cho từng tỉnh và cả vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà khoa học tham gia chương trình tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn của vùng Tây Bắc. Kết quả của từng đề tài, từng dự án phải trả lời bằng được câu hỏi: đóng góp được gì để giúp Tây Bắc phát triển bền vững, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc hơn.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các bộ ngành và các nhà khoa học

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Định hướng sắp tới để hoàn chỉnh đề án này, một là Tây Bắc đói nghèo còn rất cao 29,5% cho nên sinh kế cho đồng bào là gì, tính thiết thực vấn đề này là gì đang được đặt ra rất quan trọng hiện nay. Trước hết là chương trình phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào chúng ta của 14 tỉnh. Việc thứ 2 sản phẩm này để ứng dụng thực tiễn nên tôi đề nghị phải rất dễ truy cập, tổ chức thông tin phải tính đến vấn đề này.”

Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013-2015) nhằm mục tiêu đến năm 2015 có bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc, bước đầu triển khai mô hình sinh kế và phát triển kinh tế xã hội, chuyển giao giải pháp khoa học, công nghệ cho một số địa phương. Giai đoạn 2 (2016-2018) nhằm ứng dụng các kết quả, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống, sản xuất; đề xuất quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030./.