Sáng nay (16/1), Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững họp bàn triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỷ đồng, riêng ngân sách Trung ương bố trí 6.242 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện như: chính sách hỗ trợ giáo dục – đào tạo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động trên địa bàn các huyện nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo.
Năm 2015, Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo. Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cũng đề xuất chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Đề án giảm nghèo đa chiều. Đại diện một số bộ ngành cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020 cần xem xét, điều chỉnh lại các chỉ tiêu về chuẩn nghèo.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Xoay quanh chỉ tiêu giảm nghèo nên có điều chỉnh, có những chỉ tiêu cơ bản phải đảm bảo, chỉ tiêu bất di bất dịch đó là thu nhập và giảm nghèo là không điều chỉnh giảm mà phải giữ nguyên; riêng tiêu chí giảm nghèo và thu nhập theo chiều hướng phải tăng theo từng năm, tuy nhiên cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất phải có sự điều chỉnh”.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: mặc dù thời gian qua công tác giảm nghèo bình quân toàn quốc giảm khoảng 2%, khu vực các huyện miền núi khó khăn giảm bình quân 5% một năm, vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do vậy cần rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 đến 1,5% một năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%.
Việc giảm nghèo thời gian tới cần thực hiện theo phương thức đa chiều để khuyến khích người dân vươn lên./.