Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong công cuộc giảm nghèo trong 2 thập kỷ qua và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn người nghèo không tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội, trong khi hệ thống chính sách về giảm nghèo nhiều nhưng lại chồng chéo. Để đảm bảo tính bền vững của các kết quả đạt được và giải quyết những thách thức trong tương lai, Việt Nam cam kết “xóa bỏ nghèo đói dưới mọi hình thức, để không ai bị bỏ lại phía sau”.

ngheo_1_cmwm.jpg
Gia đình ông Đinh Công Cần, ở tỉnh Phú Thọ đã thoát nghèo nhờ chính sách xuất khẩu lao động (Ảnh: Hà Nam).

Là 1 trong 6 quốc gia hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa nghèo cùng cực từ năm 2010, Việt Nam đã về đích sớm trước 2 năm so với mục tiêu đặt ra, giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 7,8% vào năm 2013. Trung bình mỗi năm cả nước giảm 2% hộ nghèo. Tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói cơ bản được xóa bỏ, Việt Nam chuyển vị trí từ nước nghèo sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Kết quả giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo.

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định: “Đây là một hành trình ngoạn mục kể từ khi các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ đầu tiên được thông qua vào năm 2000 trên cả bình diện toàn cầu cũng như ở Việt Nam. 15 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ hơn 50% xuống dưới 10% ở mức hiện nay. Đây là thành quả mà không phải nhiều quốc gia có thể đạt được. Xin chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam vì những tiến bộ mang tính chuyển đỏi mà các bạn đã tạo ra trong một khoảng thời gian ngắn”.

Chỉ sau 1 trận mưa đá, một gia đình ở Hà Giang lại rơi vào cảnh nghèo (Ảnh Hà Nam).

Vậy nhưng, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đảm bảo tính bền vững của các kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo. Nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy, kết quả giảm nghèo của Việt Nam nhanh nhưng chưa bền vững, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%, cá biệt có xã còn trên 90%. Điều đáng lo ngại là cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Đời sống của một bộ phận dân cư có thu nhập sát ngưỡng nghèo, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh…là quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào….Trong khi đó, xóa đói giảm nghèo hiện không còn đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để tất cả mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bà con.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trần Lâm, phụ trách Chương trình nghiên cứu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thì một bộ phận người dân vẫn chưa tìm được hướng thoát nghèo phù hợp, trong khi các chính sách giảm nghèo thì quá nhiều. “Theo rất nhiều nghiên cứu trong ít nhất 10 năm qua thì thấy cộng đồng dân tộc thiểu số bị bỏ lại phía sau ở nhiều góc độ. Ví dụ, tiếp cận giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, là vấn đề đất đai, môi trường. Chính sách vẫn chưa có cơ chế phù hợp với người dân tộc. Chính sách dựa vào bằng chứng thì mới đây mới xúc tiến mạnh, còn trước đây nghiên cứu sau đó đưa ra chính sách thì có nhiều nghiên cứu cũng bị bỏ lại phía sau và không đưa vào chính sách. Kông phải riêng gì người dân tộc thiểu số mà cả người Kinh sống ở vùng xa xôi, người Kinh sống ở vùng biển hoang vắng hay đảo cũng là người nghèo”.

Nhìn thấy những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, Việt Nam đã chủ động đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Đây là phương pháp tiếp cận mới để giải quyết tình trạng nghèo, mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á áp dụng thực hiện. Phương pháp này đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin. Đồng thời phân loại đối tượng hộ nghèo và nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Nhiều trẻ em ở miền núi còn thất học (Ảnh: Hà Nam).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo hướng loại bỏ chính sách không còn phù hợp, chồng chéo và xác định giao vốn đầu tư trung hạn 5 năm cho các địa phương để chủ động, bố trí danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân cả trước, trong và sau quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 với mục đích: Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn…nhằm hạn chế gia tăng khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư; cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau”.

“Xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất được Việt Nam khẳng định trong mục tiêu hướng tới giảm nghèo bền vững thời gian tới, thiết thực hưởng ứng Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo năm nay với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững-chung tay chấm dứt nghèo đói và phân biệt đối xử”./.