Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán từ 14/2 tới 18/2 (từ ngày 28 tới mùng 3 Tết), toàn quốc xảy ra 202 vụ, làm chết 155 người, 149 người bị thương. Trung bình mỗi ngày có 31 người chết (tăng 2 người so với đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2017).

Trong ngày mùng 3 Tết Mậu Tuất 2018, cả nước đã xảy ra 47 vụ TNGT, trong đó có 32 vụ tai nạn,15 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm chết 34 người, 29 người bị thương. 

tngt1_depv.jpg
Từ 14/2 tới 18/2 (từ ngày 28 tới mùng 3 Tết), toàn quốc xảy ra 202 vụ, làm chết 155 người, 149 người bị thương. Trung bình mỗi ngày có 31 người chết (tăng 2 người so với đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2017).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do các hành vi vi phạm quy định về TTATGT khi tham gia giao thông như: lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; vượt đèn đỏ; chở quá số người quy định; các vụ TNGT phần lớn liên quan đến người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; TNGT chủ yếu xảy ra tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị; các lực lượng chức năng còn có biểu hiện nể nang, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình nạn nhân Phạm Sỹ Vinh, 58 tuổi, bị chấn thương cột sống do tai nạn xe máy

Gần 50% nạn nhân TNGT nhập viện ngày Tết có hơi men

Chiều 18/2, (mùng 3 Tết), Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia do Phó Chủ tịch chuyên trách Khuất Việt Hùng dẫn đầu đoàn công tác đến chúc Tết, động viên các bác sỹ, y tá của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) trực cấp cứu, làm công tác cứu chữa nạn nhân TNGT dịp Tết; Thăm hỏi, tặng quà động viên 10 nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn, đang được cứu chữa.

Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Chính, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Việt Đức thông tin, từ ngày 29 đến hết mùng 2 Tết, bệnh viện tiếp nhận 256 trường hợp nạn nhân đến cấp cứu do TNGT, tăng 10% so với cùng kỳ dịp Tết năm trước.

TNGT cũng chiếm số lượng cao nhất so với các loại tai nạn khác (tai nạn thương tích, sinh hoạt, lao động, rủi ro, đánh nhau, ngộ độc...), trong đó có đến 201 nạn nhân bị chấn thương sọ não.

Bác sỹ Nguyễn Đức Chính cho biết, gần 50% nạn nhân TNGT sau khi vào viện vẫn có chất cồn trong máu quá mức cho phép

“Phần lớn các trường hợp được cứu chữa tại Bệnh viện Việt Đức là các ca nặng, được chuyển từ các tuyến dưới, các địa phương từ khu vực miền Trung và phía Bắc đến, có trường hợp hôn mê, thậm chí tử vong sau khi nhập viện”, Bác sỹ Nguyễn Đức Chính cho hay.

Đáng chú ý, theo bác sỹ Chính, nhiều trường hợp nạn nhân sau khi nhập viện vẫn còn chất cồn trong máu. "Qua xét nghiệm máu của 130 nạn nhân TNGT thấy có đến 55 trường hợp dương tính với chất cồn, với nồng độ cao hơn mức cho phép, trong đó có cả nữ giới. Con số này cũng chưa phản ánh đúng thực tế, bởi có những nạn nhân từ địa phương xa chuyển đến, cấp cứu không kịp thời, rất lâu sau khi tai nạn xảy ra mới lấy máu để xét nghiệm nên khó xét nghiệm được chất cồn", bác sỹ Chính thông tin.

Theo đại diện bệnh viện Việt Đức, liên quan đến chấn thương sọ não, do phụ thuộc vào việc khai báo của người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân, nên khó đánh giá về việc nạn nhân có đội MBH hay không, cũng như liên quan đến cách đội hoặc chất lượng MBH.

Hiện trường tai nạn cách chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng khoảng 700 m trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Việt Tường.

"Tình hình TNGT qua con số cấp cứu dịp Tết, cứu chữa ở bệnh viện cho thấy vẫn căng thẳng. Các ngành chức năng cần tiếp tục khuyến cáo người tham gia giao thông không lái xe, điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia, đội MBH khi đi xe máy, không vi phạm luật giao thông", bác sỹ Chính cho biết thêm.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng thay mặt lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cảm ơn các bác sỹ, y tá trên cả nước nói chung và Bệnh viện Việt Đức nói riêng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhiệt tình, nỗ lực cứu chữa, giành giật tính mạng, sức khỏe cho các nạn nhân TNGT.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia 
thăm hỏi n
gười nhà nạn nhân TNGT trong Bệnh viện Việt Đức.

Ghi nhận tình hình tại bệnh viện, ông Hùng cũng chia sẻ, trong mấy ngày Tết vừa qua, ông trực tiếp thực địa một số tuyến giao thông ở các địa phương cũng nhận thấy tình trạng phổ biến là người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu bia, đi xe máy không đội MBH, chở quá số người cho phép.

"Thật buồn khi thấy nạn nhân TNGT được cấp cứu tại một số bệnh viện, trong đó có bệnh viện Việt Đức tăng hơn so với Tết năm trước. Song cũng thấy rằng, bên cạnh việc nhiều người tham gia giao thông kém ý thức chấp hành pháp luật giao thông, còn có nguyên nhân do lực lượng chức năng còn tâm lý nể nang, xuê xoa nên không kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông trong mấy ngày Tết", Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận.

Hành động ngăn chặn TNGT

Trước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng số vụ TNGT dịp Tết, ngày 18/2, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã ban hành công điện chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng, Ban ATGT các địa phương xử lý nghiêm các hành vi phạm giao thông liên quan trực tiếp đến TNGT để ngăn chặn gia tăng tai nạn trong những ngày nghỉ Tết còn lại và dịp lễ hội Xuân sau Tết.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi nạn nhân Hà Đức Hùng, 6 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, bị TNGT khi đang được bố mẹ chở bằng xe máy trên đường đê thì bị bò húc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành và Ban ATGT tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã) và lực lược thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không nể nang, không xuê xoa.

Những vi phạm bao gồm: vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, tăng giá vé sai quy định; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện, đường giao thông nông thôn.

Bố trí lực lượng, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho nhân dân trở về thành phố khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; đặc biệt là các tuyến giao thông hướng về Thủ đô Hà Nội, TP. HCM, các khu vực giao thông trọng điểm phức tạp như cảng hàng không, nhà ga, bến xe; xử lý điều tiết, khắc phục kịp thời khi có sự cố, TNGT, không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Bên cạnh đó, ngành GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không; ứng trực 24/7 để kịp thời xử lý những phản án của người dân về vi phạm trật tự an toàn giao thông, tình hình ùn tắc giao thông qua đường dây nóng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các trạm thu phí khi có phương tiện ùn tắc dài hơn 700 m phải xả trạm cho phương tiện lưu thông./.