Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 6 tháng của năm 2017, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội và tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng tại các thành phố lớn.

tau3_dhrk.jpg
Vụ TNGT giữa xe tải và tàu hỏa ở Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 3/7 khiến lái xe tử vong tại chỗ.

Cụ thể, 6 tháng, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. Trong đó 98% các vụ là TNGT đường bộ. So với cùng kỳ năm ngoái, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 6,22%, số người chết giảm 5,25% và số người bị thương giảm 11,23%. Cả nước có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 16 địa phương giảm trên 20% số người chết.

Hiện trường khủng khiếp của vụ TNGT ở Gia Lai làm gần 40 người bị thương vong.

Phân tích nguyên nhân TNGT đường bộ cho thấy chủ yếu do người tham gia giao thông đi không đúng phần đường, làn đường (24,91%), vi phạm tốc độ quy định (10,2%), vượt xe sai quy định (6,7%)...v.v.  

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 6 tháng qua, cả nước xảy ra 33 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 24,24%. Tình trạng dòng giao thông có mật độ cao, vận tốc chậm (khoảng 10-12 km/giờ) trên các trục giao thông chính trong các khung giờ cao điểm sáng, chiều, đặc biệt là khi trời mưa, đường phố bị ngập cục bộ hoặc do có công trình thi công chiếm dụng lòng đường trở nên khá phổ biến và có xu hướng ngày càng mở rộng về khu vực và thời gian ảnh hưởng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù, 6 tháng đầu năm 2017, tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, để xảy ra 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 81 người chết, bị thương 110 người, gây thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó, điển hình là 02 vụ TNGT đường sắt tại khu gian Lăng Cô – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) làm 03 người chết, 02 người bị thương và tại Bình Định làm 04 người chết, 02 người bị thương.

Đặc biệt ngày 30/6 xảy ra vụ TNGT do 02 xe khách đối đầu làm 04 người chết, 10 người bị thương trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum, phát sinh vấn đề phơi nhiễm HIV đối với người dân và lực lượng chuyên ngành tham gia cấp cứu nạn nhân của vụ TNGT, gây hoang mang trong dư luận.

Vẫn để xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thuỷ chở khách du lịch, mặc dù không gây thiệt hại lớn về người nhưng gây thiệt hại về tài sản và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận; Tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định.  Đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định trong khu vực nội đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương (tình trạng xe dù, bến cóc) diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định.

Xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An…), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định).

Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, đặc biệt là những ngày thời tiết xấu; ùn tắc giao thông cục bộ do TNGT, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả./.