Từ ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chính thức phát sóng lần đầu tiên trong hoàn cảnh công nghệ phát thanh chỉ mới sử dụng máy đánh chữ và máy ghi âm (rất hạn chế). Phóng viên thời đó ra hiện trường thu âm bằng băng cối, sau đó vào studio biên tập (chuyển – trích) cũng trên băng cối.

 

Trong cuốn sách “75 năm Đài Tiếng nói Việt Nam”, Nhà báo gạo cội Vĩnh Trà kể lại: “Vật bất ly thân của phóng viên phát thanh lúc bấy giờ là máy ghi âm. Trước khi vào chiến trường, phóng viên được cấp máy ghi âm R5 do khối SEP (Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước Xã hội chủ nghĩa) cung cấp, nặng khoảng 5kg, một chiếc thu thanh Orionton do Hungary sản xuất cồng kềnh không kém R5”.

Ngày 6/9/1958, Trạm phát sóng trung 150kw ở Mễ Trì (Hà Nội), lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Cùng thời gian này, Liên Xô, Hunggari, theo phân công của khối SEV giúp Việt Nam trang bị hệ thống máy thu thanh, ghi âm xách tay cho phóng viên, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật phát thanh của Đài TNVN.

Ông Nguyễn Năng Khang – Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ Chương trình – Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: Đài tiếng nói Việt Nam tiếp nhận những chiếc máy thu âm đầu tiên là đời máy R3, R5, R7. Đến những năm 60 – 70 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Nhật Bản tặng cho Đài tiếng nói Việt Nam máy ghi âm NAGRA III sử dụng băng cối dạng trung của Thụy Sĩ sản xuất từ những năm 60.

Thời kỳ đó để sản xuất được một chương trình phát thanh thì cả phóng viên và kỹ thuật viên đều rất vất vả. Phóng viên thu âm xong chuyển cho kĩ thuật làm. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ trong một kíp làm việc giữa kỹ thuật, biên tập viên, phát thanh viên, đạo diễn và dẫn chương trình thì chương trình chất lượng sẽ không cao.

 Điều vất vả và “nguy hiểm” nhất của phóng viên thời đó là bị xổ băng và công đoạn chuyển trích băng mất nhiều thời gian.

Đến những năm 1980 thì Đài TNVN đã bắt đầu sử dụng máy ghi âm sử dụng băng cassette.

Những năm 1997 – 2003 có các máy ghi âm cassett thế hệ sau cũng được Đài TNVN trang bị cho phóng viên sử dụng như các đời máy: Sony TCD5, Marantz CP420, Marantz CP430. 

 

Thế hệ máy ghi âm Sony- TCD10, là máy ghi âm băng DAT. Công nghệ DAT (Digital Audio Tape) là định dạng ghi âm audio kỹ thuật số. Kỹ thuật DAT sử dụng cho các phòng thu chuyên nghiệp vì chất lượng âm thanh tốt. Qua quá trình phát triển, đến nay rất nhiều loại máy ghi âm hiện đại, nhỏ gọn, chất lượng âm thanh chất lượng rất cao và tích hợp nhiều ứng dụng được ra đời phục vụ cho phóng viên phát thanh.

Ông Đặng Hữu Thuần - Trưởng phòng Kĩ thuật Điện tử (Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình, VOV) cho biết hiện nay Đài Tiếng nói Việt nam và đặc biệt là Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình đang lưu giữ những thiết bị thu âm mang ý nghĩa lịch sử qua các thời kỳ phát triển của VOV, gắn liền với quá trình phát triển đất nước. 

 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Phòng Kĩ thuật Điện tử (Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ Chương trình – Đài Tiếng nói Việt Nam), những thiết bị máy thu âm được đơn vị lưu trữ một cách cẩn thận, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng.

"Tuy không còn được sử dụng như trước kia nhưng những chiếc máy này vẫn ít nhiều được sử dụng vào các mục đích khác nhau như để khai thác âm thanh trong Kho lưu trữ âm thanh Quốc gia, hoặc trở thành những hiện vật trưng bày quý giá để nghiên cứu, quảng bá. Đặc biệt, việc lưu giữ tốt các loại máy này sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ yêu cầu nào trong tương lai” - bà Nga nhấn mạnh.