Dù tuổi đã cao nhưng ông Võ Văn Tòng, nguyên Trưởng phòng Phát xạ Đài phát thanh Giải phóng, nguyên Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Đài Phát thanh Giải phóng vẫn nhớ rất rõ những ngày đầu ấy.
Vào tháng 7/1960, ông nhận lệnh từ Văn phòng Xứ ủy mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Xứ ủy giao cho, đó là xây dựng Đài phát thanh. Bởi lúc này cách mạng miền Nam đang chuyển sang thời kỳ mới, rất cần tiếng nói chính nghĩa để tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cũng như trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền.
Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu VOH). |
Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Tòng bắt tay chế tạo máy phát sóng cho Đài. Làm việc ngày đêm không nghỉ, ông cùng một số đồng nghiệp vừa làm vừa mày mò dựa trên kinh nghiệm cũng như sách hướng dẫn ít ỏi. Dần dần, hình hài của chiếc máy phát sóng đầu tiên đã hình thành. Ban đầu, những địa phương gần đài phát sóng có thể nghe được những câu chuyện phát thử nghiệm như “Võ Tòng đả hổ”, chuyện ngụ ngôn hoặc những bài hò.
Trải qua gần 2 năm với nhiều khó khăn, vất vả, di chuyển nhiều nơi, đúng ngày 1/2/1962, trong căn hầm chiến khu D – Biên Hòa, Đài Phát thanh Giải Phóng phát đi chương trình phát thanh chính thức đầu tiên với danh xưng “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, làm xúc động lòng người và làm kẻ thù xâm lược kinh ngạc, bàng hoàng. Đài đã được đồng bào, chiến sỹ miền Nam đón nhận với niềm xúc động sâu sắc và với niềm tin chiến thắng.
“Trong mọi điều kiện, đã bắt đầu lên sóng thì không được quyền ngừng. Bởi nếu ngừng thì địch sẽ biết vùng của mình nó đang theo dõi. Nên cứ phải phát thanh, chết sóng gì cũng phải phát thanh. Khi mở bãi ăng ten phát đi, các nơi báo về là nghe được, nghe rõ và nghe tốt, cả Hà Nội báo về cũng nghe được. Anh em chúng tôi rất phấn khởi, rất vui mừng, tới bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao chúng tôi làm được việc đó”- ông Võ Văn Tòng kể.
Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên
Với nhà báo Nguyễn Yến Tuyết, những năm tháng làm phóng viên tại Đài Phát thanh Giải phóng A để lại nhiều kỷ niệm khiến bà không thể quên. Đáng nhớ nhất, đó là năm 1972, bà có khoảng thời gian 3 tháng chiến trường Quảng Trị dự lễ trao trả tù binh. Mặc dù mới lập gia đình, dù nhiều người thân ngăn cản nhưng bà vẫn quyết tâm đi bởi nỗi nhớ quê hương Quảng Ngãi luôn day dứt. Suốt dọc đường đi, dù gặp nhiều khó khăn vất vả, nguy hiểm, có những lúc cái chết cận kề nhưng bà Yến Tuyết vẫn đảm bảo cập nhật tin tức về Đài nhanh và chính xác thông qua điện báo viên.
Điều mà bà Yến Tuyết thấy ý nghĩa nhất, đó là những người làm phát thanh thời đó đã truyền tới người dân những thông điệp ý nghĩa về chiến tranh và hòa bình, để người dân hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do.
“Hồi đó có những người đi vào B, có những người ở ngoài này nhưng lúc nào cũng phải đảm bảo giữ vững làn sóng. Tất cả những tin tức chiến trường, những chính sách của Đảng, Nhà nước đều được phổ biến kịp thời, người dân họ cũng hiểu thế nào là giải phóng. Cũng nhiều người nói rằng “Chúng tôi biết hạt gạo cắn làm tư nhưng vẫn cứ chia sẻ với chúng tôi, vẫn chung thủy với miền Nam”. Chính sách mình nói, minh tuyên truyền thì họ đều hiểu được”- bà Yến Tuyết chia sẻ.
Cũng như nhà báo Yến Tuyết, nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng chia sẻ, những năm công tác ở Đài Giải Phóng là khoảng thời gian gian khổ mà hào hùng. Dù không ra trận nhưng ông làm báo với tinh thần của một người chiến sỹ cách mạng, luôn làm việc với tinh thần đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo sóng phát thanh được thông suốt.
Đài phát thanh Giải phóng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng VTND
Dấu ấn quan trọng trong cuộc đời làm báo của nhà báo Trần Đức Nuôi là những ngày trước và trong ngày 30/4/1975. Khi đó, Đài phát thanh Giải phóng gắn chặt với đội quân Giải phóng. Tin tức luôn nóng hổi ở chiến trường điện về, chiến thắng đến đâu là ở Đài, thông tin nóng hổi tới đó.
Nơi “nóng” nhất Đài là phòng A1 (Phòng Thời sự). Những ngày này, lãnh đạo phòng đã tổ chức lại chương trình theo phương châm “thần tốc theo bước chân anh giải phóng”. Mọi người chia ca làm và không khí ở Đài luôn nhộn nhịp, náo nhiệt, tạo thành cao trào của công việc. Mỗi lần có tin chiến thắng từ chiến trường chuyển về thì tất cả mọi người làm chương trình đều hò reo sung sướng, tạo động lực để những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên làm việc quên thời gian.
Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng. (Ảnh: Kim Thanh VOV1) |
“Sự kiện ngày 30/4, mình chỉ nhớ một điều, trọng trách lúc đó không có gì ghê gớm nhưng tâm niệm một điều, lúc các bạn đồng nghiệp của mình tiến về Sài Gòn, tất cả anh em của mình đang hội tụ ở đấy, tất cả đang làm nên một tin chiến thắng lớn như thế này. Anh em chúng tôi ngoài này được may mắn là cùng làm bản tin để phát cho đồng bào cả nước và thế giới nghe, đó là may mắn quá lớn, quá sướng. Vì vậy, chỉ có một điều là làm sao đừng để xảy ra sai sót”- nhà báo Trần Đức Nuôi chia sẻ.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tháng 8/1976, cán bộ, biên tập viên, phóng viên Đài phát thanh Giải phóng được phân công về nhiều đơn vị khác nhau nhưng họ vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của những nhà báo chiến sĩ. Hàng năm, cứ vào dịp 2/9, họ gặp lại nhau để cùng ôn lại một thời gian khổ mà hào hùng…/.