Từ ngày 15/11 tới, Hà Nội và TP HCM bắt đầu thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, xã, phường. Điều đáng nói là số tiền mà lực lượng này thu được từ xử phạt vi phạm hành chính sẽ được giữ lại tại địa phương, đang khiến nhiều người lo ngại xảy ra tình trạng lạm dụng việc xử phạt, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

at1_hkjq.jpg
Ảnh minh họa.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp quận, huyện, xã, phường sau khi thành lập được toàn quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành về an toàn thực phẩm trong cả 3 lĩnh vực: y tế, nông nghiệp và công thương. Đặc biệt, lực lượng này được thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí còn được tổ chức thanh tra, kiểm tra độc lập. Đây là cơ chế đặc thù được Chính phủ quyết định để tạo sự chuyển biến nhanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Việc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, xã, phường thị trấn được đánh giá là giải pháp kịp thời khi các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực thanh tra đã dừng việc thanh tra chuyên ngành cấp tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, việc quy định số tiền mà lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp cơ sở xử phạt được giữ lại tại địa phương đang khiến nhiều người lo ngại xảy ra tình trạng lạm dụng xử phạt để tăng nguồn thu cho địa phương và dễ dẫn đến việc cán bộ thanh tra làm khó cho doanh nghiệp. Bộ Y tế đã và đang tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành chức năng, tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng vừa nêu có thể xảy ra.

Từ ngày 15/11 tới, Hà Nội và TP HCM sẽ thí điểm thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở trong vòng 1 năm. Mỗi địa phương sẽ chọn 5 đơn vị hành chính cấp quận và 10 đơn vị hành chính cấp phường để triển khai. Lực lượng thanh tra chuyên ngành này được thành lập dựa trên nguồn nhân lực sẵn có và không tăng thêm biên chế cho cơ sở./.