Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích cây trồng vụ hè thu trong điều kiện có đủ nước tưới của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa khoảng 115.000ha. Báo cáo của các địa phương này cho thấy, nếu không có mưa bổ sung trong thời gian từ nay đến đầu vụ hè thu 2015, sẽ có khoảng 44.000ha đất canh tác phải dừng sản xuất, chiếm khoảng 38% tổng diện tích đất trồng lúa và cây hàng năm.
Còn tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến tháng 5. Do vậy, sẽ tiếp tục xảy ra hạn hán đến hết vụ sản xuất đông xuân ở một số địa phương.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về vấn đề này:
PV: Thưa ông, thì tình trạng hạn hán sẽ còn ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất nông nghiệp nói chung và đời sống dân sinh nói riêng?
Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Theo dự báo, hạn hán trong vụ hè thu sẽ xảy ra khốc liệt hơn nữa. Ngoài việc hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thì vấn đề nước cho sinh hoạt và cho gia súc cũng ảnh hưởng rất lớn. Năm 2015, hạn hán ở mức kỷ lục trong 10 năm qua.
Hiện tại khu vực Nam Trung Bộ tập trung ở 3 tỉnh là Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Còn vùng Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; Đông Nam Bộ là Bình Phước, những địa phương này hiện nay ảnh hưởng của hạn hán rất là lớn.
Đối với vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, thì vấn đề hạn hán còn tiếp tục khốc liệt từ nay đến cuối tháng 4 và đến cuối tháng 5 thì lúc đó khi có mưa thì có thể hạn hán sẽ đỡ. Còn vùng Nam Trung Bộ thì hạn hán tiếp tục xảy ra từ nay đến hết vụ đông xuân và kéo dài đến hết vụ hè thu đến hết tháng 9, khi có mưa thì hạn hán cơ bản được giải quyết.
PV: Thưa ông, các địa phương cần quan tâm đến những vấn đề gì trong phòng chống hạn hạn hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Các địa phương trên cơ sở cân đối nguồn nước sẵn có của từng lưu vực sông để bố trí cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý; đối với những vùng thiếu nước thì cần chuyển đổi từ lúa sang những loại cây trồng cạn ít nước hơn, hoặc là dừng sản xuất để đảm bảo hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý và sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trồng, đồng thời phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và cho những loại cây trồng.
PV: Về lâu dài, giải pháp cần đưa ra trong phòng chống hạn hạn đối với những khu vực vừa nêu cần thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Theo chúng tôi, đối với vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trước hết là cần phải tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi nói chung, đặc biệt là các hồ chứa nước. Với quan điểm những vùng này chỗ nào mà xây dựng được hồ chứa thì sẽ xây dựng, sau đó sẽ kết nối những hồ này với nhau để điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Cần tăng cường các biện pháp tưới tiết kiệm nước cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ lực và đối với những loại cây trồng này khi mà được tưới tiết kiệm nước thì có thể giảm được lượng nước tưới, đồng thời giảm chi phí đầu vào cho nông dân và tăng thêm thu nhập.
Đối với những vùng thường xuyên khô hạn thiếu nước thì cần phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, đồng thời quan tâm đến phòng chống dịch bệnh cho gia súc cũng như các biện pháp phòng chống cháy rừng.
PV: Xin cảm ơn ông!./.