Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, cả 4 người trong gia đình ông Rơ Châm Ing, ở làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai hì hục đào hố, khơi dòng, tận dụng nguồn nước cuối cùng trong hồ thủy lợi Ia Dêr để tưới cho 2ha cà phê cách hồ chừng 500m.
Không chỉ ở huyện Ia Grai, mà nhiều nơi trong tỉnh Gia Lai, hệ thống sông suối, ao hồ và các công trình thủy lợi đã cạn kiệt, người dân đang khốn khổ tìm nguồn nước chống hạn cho cây trồng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đã có 14 trên 17 huyện, thị bị thiệt hại do nắng hạn. Nhiều cánh đồng tại các huyện như Chư Păh, Kbang, Đăk Đoa đã mất trắng. Những vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu như Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đăk Đoa đứng trước nguy cơ mất mùa nghiêm trọng vì nắng hạn. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 8.300ha cây trồng bị hạn, trong đó có 5 nghìn rưỡi hta cà phê và hơn 2.500 ha lúa nước; tổng thiệt hại khoảng 105 tỷ đồng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 5. Do đó, hạn hán tại Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên sẽ còn diễn biến tạp, cần có nhiều biện pháp chống hạn hiệu quả.
Ông Phạm Vũ Tuấn - Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, nói: “Diện hạn rộng vẫn còn phủ trên toàn bộ Tây Nguyên, kéo dài cho đến trung tuần tháng 5 mới chấm dứt hạn được. Các địa phương trong khu vực Tây Nguyên cần lưu ý trong thời gian tới cần thực hiện điều tiết nước hợp lý, nhằm hạn chế lượng nước thất thoát. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra mực nước trong các hồ chứa, đập dâng. Đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu thì nên áp dụng kỹ thuật tưới phun, tưới đủ ẩm để chờ mùa mưa đến”./.