Vào thời điểm này, ở khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận đang chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán gây ra.
Hồ Đá Bạc có dung tích thiết kế gần 4,5 triệu m3, là nơi cung cấp nước tưới cho vùng nông nghiệp rộng lớn ở 3 xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân và Hòa Minh của huyện Tuy Phong. Thế nhưng, mực nước trong hồ hiện tại nằm dưới mực nước chết. Gần 800 ha lúa và hoa màu thuộc khu tưới hồ Đá Bạc đã bỏ hoang.
Mặc dù chỉ cách hồ Đá Bạc khoảng vài trăm mét và có mương thủy lợi đi qua, nhưng từ năm 2014 đến nay, 5 sào đất lúa của gia đình ông Lê Thanh Xuân ở xã Vĩnh Hảo không thể nào canh tác.
Ông Xuân nói: “Hằng năm, gia đình chúng tôi nhờ vào đó mà mưu sinh. Một vụ cũng kiếm được năm đến bảy triệu. Nếu một năm kiếm được mười mấy hai chục triệu. Nhưng nay 3 vụ không có, 2 vụ cũng không, một vụ cũng không luôn. Nguồn nước đang kiệt quệ”.
Trôm lấy mủ là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao ở huyện Tuy Phong, nhưng hiện đang bị thất thu do hạn hán. Không đủ nước tưới, nên cây trôm không thể cho ra mủ để thu hoạch. Trong suốt mùa khô 2014-2015, nhiều vườn đã bị mất trắng. Anh Nguyễn Văn Vi - chủ một vườn trôm ở xã Vĩnh Hảo cho biết: “Năm nay suối đã khô từ hồi trước Tết. Đến bữa nay thì cây đã khô mủ hoàn toàn, thất thu quá nhiều, không còn nguồn thu nhập cho gia đình”.
Hiện nay để cứu diện tích cây trồng trong vườn, một số người bỏ tiền vét giếng hoặc khoan giếng sâu, nhưng nguồn nước ngầm cũng nhỏ giọt. Hầu hết chỉ đủ tưới cầm cự, chờ mưa xuống. Anh Nguyễn Văn Nhân ở xóm Cây Cóc, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong vừa bỏ ra 30 triệu đồng thuê xe múc đào ao lấy nước tưới cho hơn 6.000 cây trôm nói: “Từ ngày nước suối cạn hết, nên mình cũng khắc phục bằng cách bỏ tiền ra đào ao lấy nước để phục vụ cho tưới cây và trâu bò uống. Nhưng mà thực chất ra, tốn rất nhiều tiền nhưng nước không có để mà chạy tưới”.
Anh Trần Quốc Linh, một trong số 20 chủ xe bồn chở nước sinh hoạt bán cho người dân ở huyện Tuy Phong cho biết: “Từ lúc khô hạn đến bây giờ, bà con người ta có nhu cầu, mình lấy nước chở bán cho bà con. Nói chung, ở đây bà con rất thiếu nước. Gần thì lấy giá 90.000 đồng/xe. Còn xa 150.000 đồng/xe”.
Nếu thời tiết khô hạn tiếp tục kéo dài, người dân ở khu vực phía Bắc Bình Thuận sẽ còn hứng chịu thêm nhiều thiệt hại do hạn hán gây ra. Vì vậy, vào lúc này họ đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn trước mắt./.