Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt người dân ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Trong đó, các địa phương như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị dự kiến sẽ có khoảng 30 nghìn ha diện tích cây trồng thiếu nước. Dự báo, những khu vực này sẽ xảy ra hạn hán khốc liệt vào cuối vụ Đông xuân, Hè thu và vụ Mùa.

nguyen_van_tinh_han_han_24__xxqm.jpg

VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu những tác động tiêu cực do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

PV:Thưa ông. Tổng Cục Thủy lợi có nhận định như thế nào về diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn đang xảy ra tại một số địa phương trên cả nước?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Qua đợt kiểm tra vừa rồi chúng tôi đánh giá hiện nay vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ở các địa phương thuộc miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đối với vùng Nam Trung bộ, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ninh Thuận và Khánh Hòa. Trong đó, riêng Ninh Thuận, trừ vùng tưới thuộc Nha Chi – Lâm Cấm được điều tiết từ hệ thống hồ chứa Đơn Dương, còn lại những vùng khác với tổng số 21 hồ chứa hiện nay, dung tích còn khoảng 13,6% so với dung tích thiết kế.

PV:Trong điều kiện hiện nay thì tình trạng hạn hán ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất nông nghiệp nói chung và đời sống dân sinh nói riêng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Theo dự báo hạn hán trong vụ Hè thu sẽ xảy ra khốc liệt hơn nữa. Ngoài việc hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thì vấn đề nước cho sinh hoạt và cho gia súc cũng ảnh hưởng rất lớn. Đến nay, các địa phương đã phải bố trí xe chở nước đến một số vùng thiếu nước như: Phước Trung, Phước Nhơn. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, các hồ chứa hiện tại dung tích cũng chỉ còn khoảng 36%. Ở khu vực Tây nguyên, 2 tỉnh gồm Đắc Lắc, Đắc Nông đã và đang chịu ảnh hưởng do hạn hán và dự báo hạn hán diễn ra nặng nề nhất là vào cuối vụ Đông xuân năm nay. Riêng vùng Tây Nam bộ, vấn đề xâm nhập mặn mức độ nặng nề hơn so với cùng kỳ những năm trước. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhật thông tin tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tham mưu Tổng cục chỉ đạo các địa phương phòng tránh và khắc phục các vấn đề do hạn hán gây ra.

PV:Tổng cục Thủy lợi sẽ tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 543 tỷ đồng cho 31 địa phương. Hiện tại cũng đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng phê duyệt hỗ trợ cho các địa phương. Các địa phương trước hết cân đối nguồn nước sẵn có, kể cả các hồ chứa thủy điện để bố trí cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý thích hợp. Đối với những vùng mà thiếu nước thì cần phải chuyển sang những loại cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn, đặc biệt những vùng thiếu nước nghiêm trọng có thể phải dừng sản xuất.

Đồng thời phải tăng cường các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và một số loại cây trồng cạn chủ lực để làm thế nào vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất đồng thời tiết kiệm nước. Ngoài ra, đối với những vùng thiếu nước thì chúng tôi cũng đề nghị cần ưu tiên nước cho sinh hoạt cho chăn nuôi gia súc và đề phòng những trường hợp có thể xảy ra cháy rừng.

Về lâu dài kiến nghị tiếp tục xây dựng các hồ chứa trữ nước, đặc biệt là tại những vùng khó khăn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa để sau này có thể liên thông những hồ chứa này để dẫn nước, phục vụ nước cho sản xuất và dân sinh.                                       

PV:Xin cảm ơn ông!