Trong khi Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến dư luận xã hội về Dự thảo phương án tổ chức thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia thì báo Điện tử VOV.VN  nhận được hàng trăm ý kiến của người dân, độc giả đóng góp cho Dự thảo cũng như hiến kế chống tiêu cực trong thi cử.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Là một người dân dõi theo sự thay đổi của ngành Giáo dục, bạn Vũ Xuân Trưởng hoàn toàn ủng hộ với Dự thảo phương án tổ chức thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT. Dự thảo rất thiết thực với học sinh, tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc và áp lực cho nhà nước và học sinh. Bạn Xuân Thưởng mong dự thảo sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt.

Một thầy giáo có tên là Lê Tấn Thông  nêu ý kiến, Bộ GD-ĐT vẫn nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu vẫn duy trì kỳ thi này thì chỉ cần 70% cho học sinh đỗ tốt nghiệp để các em thi vào ĐH. Số học sinh còn lại nên công nhận tốt nghiệp để các em có thể vào các trường CĐ hoặc Trung cấp. Còn nếu bỏ bớt một kỳ thi thì phải bỏ kỳ thi THPT, không thẻ gộp 2 kỳ thi vào một được. Bộ GD-ĐT cần áp dụng thử trước khi mở rộng ra cả nước.

Độc giả có tên Hùng Nguyễn cho biết, cải tiến thi tốt nghiệp THPT theo cách tổ chức một kỳ chung là tốt đỡ tốn kém kinh tế cho Nhà nước.  Tuy nhiên, những học sinh năm trước trượt ĐH, năm nay muốn thi lại thì không thấy Bộ GD-ĐT đưa ra cách thức xét tuyển vào ĐH cho những em này. Vì vậy, khi đổi mới thi, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp như vậy.

Bạn Minh Tâm chia sẻ: Đổi mới gì Bộ GD-ĐT cũng phải nghĩ đến tác động đối với học sinh và giáo viên. Bộ nên công bố phương án ít nhất là 1 năm để mọi người không khỏi bỡ ngỡ và rơi vào tình trạng hụt hẫng vì chuẩn bị không kịp.

Độc giả có tên Ngân Hà chia sẻ quan điểm, Bộ GD-ĐT chưa nên áp dụng phương án 2 và 3 ghi trong Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ hãy để đến năm 2017 thực hiện các phương án này.

Bạn bui minh tho cho rằng, hiện nay, cách dạy và học ở một số trường đều theo kiểu phân ban, định hướng khối thi ĐH từ khi bắt đầu vào THPT. Đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng phải có lộ trình. Nếu thực hiện ngay thì sẽ ảnh hưởng thiệt thòi cho các em học sinh bây giờ.

Xét tốt nghiệp, giữ lại kỳ thi Đại học

Trái ngược với những ý kiến trên, độc giả Lương Duyên Thắng bày tỏ lo ngại đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT khi “bệnh” thành tích vẫn chưa chấm dứt. Các địa phương đều mong muốn đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ ĐH cao. Các trường học THPT và nhiều phụ huynh cũng mong như thế. Nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương thì tình trạng không trung thực lại diễn ra. Vì vậy, nên để các trường và các Sở  GD-ĐT tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp. Các học sinh có điểm tốt nghiệp cao và có quá trình học THPT khá (ví dụ bình quân 3 năm học đạt điểm trung bình từ 6,5 trở lên sẽ được thi ĐH còn dưới mức này thì nên cho tuyển vào các trường Trung cấp và học nghề).

Độc giả Quang Tháiđưa ra quan điểm,năm 2015, không thi theo phương án mới. Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Còn vẫn giữ lại kỳ thi ĐH như bây giờ.

Đồng ý các với quan điểm trên, Quang Mạnh cho rằng, không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ nên tổ kỳ thi ĐH, CĐ vì 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều khó thực hiện và rất tốn kém, gây áp lực cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, có thể gây dư luận không tốt cho xã hội. Nên để các trường THPT xét tốt nghiệp, đảm bảo tỷ lệ không quá 95%. Muốn vậy, chỉ cần Bộ GD-ĐT ra quy chế học sinh học lực yếu thì không được xét tốt nghiệp và chỉ lấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 70% vẫn đánh giá thi đua thì đảm bảo chất lượng.

Theo độc giả Lai Văn Vương, Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo gồm 3 phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sự đổi mới này chỉ có lợi cho các trường ĐH, CĐ để thu hút người theo học còn những trường tốp trên hoặc những trường đào tạo đặc thù như khoa học sức khỏe, khoa học kỹ thuật... thì liệu có dám tin vào điểm số kỳ thi này để xét tuyển không? Hậu quả tương lai cho xã hội ai là người gánh chịu? Tốt nhất, Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp phổ thông theo hình thức nào đó nếu thấy phù hợp, còn thi ĐH, CĐ thì vẫn giữ nguyên bởi những năm qua xã hội vẫn tin vào kỳ thi này./.