Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vừa đề xuất 3 phương án tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, dự định sẽ được thực hiện vào năm 2015. Điều đó cho thấy, đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đưa ra cách đây không lâu, sẽ được cụ thể hóa trước hết tại khâu đánh giá giáo dục, mắt xích quan trọng quyết định khuynh hướng dậy và học và dự định áp dụng ngay từ năm học tới cho thấy, tính cấp bách cần đổi mới của sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Trong xã hội đã lưu truyền câu chuyện thật như bịa liên quan đến hoạt động giáo dục. Đó là rất nhiều học sinh kể cả học sinh thành phố tả bà ngoại mình như sau: “Bà em tóc bạc, răng đen nhai trầu bỏm bẻm”. Trong khi thời nay nhiều bà ngoại tóc nhuộm mầu, phóng xe ga đến trung tâm thẩm mỹ. Câu chuyện nếu là bà ngoại nhất định cứ phải là “tóc bạc, răng đen, nhai trầu bỏm bẻm” đầy chất hài hước ấy là hậu quả của cách dậy khuôn mẫu, cách học thụ động và cách đánh giá kết quả giáo dục lỗi thời. Thi gì dậy nấy, học nấy đã làm nền giáo dục nước nhà phát triển theo hướng đối phó. Thầy dậy kiến thức đối phó với khuynh hướng ra đề. Trò học theo kiểu đối phó với các kỳ thi cử.
Nền giáo dục phát triển theo hướng đối phó lại được đánh giá bằng phương pháp lỗi thời dẫn đến những kết quả thiếu thuyết phục. Có thể tin được không với những lớp học gần như 100% học sinh suất sắc. Những trường học gần như toàn học sinh giỏi. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm cao ngất ngưởng không phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy và học ấy thậm chí đã làm ngành giáo dục ngại ngùng mỗi khi giải trình trước công luận.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 mới đây đã ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo sẽ chuyển từ lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy học sinh làm trung tâm; sẽ chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Thay vì nhồi nhét kiến thức sẽ dạy cho học sinh cách tiếp nhận kiến thức; cách xử lý và vận dụng kiến thức để giải quyết những tình huống trong cuộc sống.
Trên thực tế, kiến thức là vô tận, mỗi giờ, mỗi ngày lại có thêm kiến thức mới, phát minh mới. Các em có thể tiếp cận kiến thức qua các kênh truyền thông, đặc biệt là Internet. Điều quan trọng là dậy các em cách tiếp cận với kho dữ liệu vô tận, biết cách xử lý thông tin cần thiết, sử dụng thông tin có hiệu quả. Nền giáo dục tiếp cận năng lực sẽ giúp học sinh phát huy hết sở trường của mình, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Cả xã hội kỳ vọng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện sẽ giúp chấn hưng nền giáo dục nước nhà nhưng rồi lại băn khoăn không biết sẽ bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?
Cách đây 2 ngày, Bộ GD-ĐT đề xuất 3 phương án tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, dự định sẽ thực hiện vào năm học tới. Những động thái ấy cho thấy ngành giáo dục đã chọn đột phá từ khâu đánh giá giáo dục. Đánh giá chất lượng giáo dục sẽ chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Theo đó, thay vì đánh giá lượng kiến thức học sinh đã học được như cách làm lâu nay, kỳ thi sẽ đánh giá năng lực vận dụng kiến thức đã học được để giải quyết những vấn đề cụ thể. Đáng chú ý nữa là trong các phương án ấy có tính đến việc một đề thi tích hợp kiến thức của nhiều môn học có liên quan. Và có thể phương án được chọn sẽ được áp dụng ngay trong năm học tới, tức là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015.
Vẫn biết đổi mới một hệ thống giáo dục lạc hậu, trì trệ lâu nay là không đơn giản. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục thực sự là một thách thức về học thuật. Nhưng động thái này cho thấy, ngành giáo dục đã chọn đúng yếu điểm. Theo cách nói của người đứng đầu ngành Giáo dục, 3 phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là hành trình đi đến cách thi cử để đánh giá được năng lực, phẩm chất của người học. Xã hội hãy chung tay cùng ngành giáo dục vì sự nghiệp trồng người./.