Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến của dư luận xã hội về Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia gồm 3 phương án. Cho dù là phương án nào thì Bộ phải thông báo nội dung, hình thức rõ ràng cho cho xã hội biết sớm. Theo đó, Bộ nên công bố phương án cuối cùng của kỳ thi này trước khi khai giảng Năm học mới là điều tốt nhất để người dân và học sinh có tinh thần chuẩn bị. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 15/8 tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

pho_thu_tuong_fxro.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại điểm cầu TP HCM (ảnh: Thanh niên)

Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là Dự thảo quan trọng, tác động trực tiếp đến xã hội, từng gia đình và học sinh. Việc thay đổi kỳ thi này có ý nghĩa quan trọng không chỉ xét tốt nghiệp THPT mà còn lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường và thực hiện công tác tuyển sinh trên tinh thần tự chủ. Ngoài ra, kỳ thi cũng cần phải đảm bảo để các trường không chỉ tuyển được nguồn thí sinh “đầu vào” chất lượng mà còn có thể thúc đẩy chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ.

Để các trường ĐH, CĐ có thể tin tưởng vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không phải tổ chức tuyển sinh riêng thêm nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù phương án thi theo môn hay theo bài thì điều quan trọng nhất là Bộ GD-ĐT, các địa phương đảm bảo an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan cho kỳ thi. Ngoài ra, kỳ thi phải giảm bớt nhiêu khê, phiền phức cho người dân nhưng vẫn phải khuyến khích tinh thần học tập, ham học hỏi của học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp nghiệp THPT phải gắn với đổi mới sách giáo khoa; chương trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Bộ trưởng GD-ĐT tin tưởng vào đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, để thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đổi mới thi cử bằng cách ra đề thi với yêu cầu đòi hỏi tinh thần sáng tạo, phát huy năng lực của người học để từ đó đổi mới cách giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Cụ thể là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề thi được đánh giá cao vì không chỉ có nội dung trong sách giáo khoa mà đòi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội một cách tổng hợp. Đề thi đã đáp ứng được đòi hỏi của việc chuyển dần từ việc truyền tải kiến thức một cách thụ động sang hướng phát huy tư duy, năng lực của học trò.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận  tin tưởng vào đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh 3 phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi chưa đủ tin cậy để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tin tưởng vào sự đổi mới kỳ thi này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Khi đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành Giáo dục phải tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo, cán bộ của mình. Nếu chính sách của chúng ta chỉ nhằm đi ngăn chặn những người chống phá thì không giải quyết được vấn đề... Giống như khi ra trận, các cán bộ lãnh đạo Giáo dục là những tư lệnh ngành, phải tin rằng, các chiến sĩ ngoài kia đang chĩa súng vào địch, chứ đừng lo họ đang chĩa súng vào mình...”.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang trưng cầu ý kiến về đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng khi phương án cuối cùng được phê duyệt thì các trường ĐH, CĐ cần phải biết khắc phục khó khăn để phối hợp chặt chẽ với các trường THPT thực hiện cho tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có như vậy dư luận xã hội và các trường ĐH, CĐ mới tin tưởng vào kết quả của kỳ thi này./.