Nghị quyết 29 -NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh đến việc Bộ GD-ĐT cần đổi mới thi cử để thúc đẩy chất lượng giảng dạy và học tập. Chính vì vậy, trong năm nay, Bộ đã chọn đổi mới thi tốt nghiệp THPT là bước đi bứt phá đầu tiên của ngành khi thực hiện Nghị quyết.
Theo đó, Bộ GD-ĐT vừa công Dự thảo gồm 3 phương án đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này được thực hiện bằng cách gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) vào làm một (kỳ thi quốc gia chung). Kết quả của kỳ thi này sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Dự thảo các phương án thi khi vừa được công bố đã nhận được nhiều ý kiến của các tầng lớp trong xã hội. Là người có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoan nghênh Bộ GD-ĐT trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Việc Bộ công bố Dự thảo 3 phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là bước đi đầu tiên khẳng định quyết tâm của ngành trong cải cách chất lượng giáo dục hiện nay.
Đổi mới thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực thi cử
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trong 3 phương án đưa ra, phương án 1 (thi theo môn) và phương án 3 (thi theo bài gồm 11 môn) là chưa khả thi. Phương án 1 chẳng khác gì phương án thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Dư luận vẫn cho rằng, phương án này vẫn chưa khắc phục được tiêu cực, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa phản ánh đúng thực chất quá trình giảng dạy và học tập của từng địa phương, trường học khi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lên tới gần 100%.
Phương án 3 yêu cầu thí sinh phải làm bài thi tích hợp, gồm nhiều môn trong một đề thi rất hay. Tuy nhiên, phương án này chỉ thực hiện được khi các địa phương chuẩn bị kỹ cho việc đổi mới chương trình, cách thức giảng dạy.
Phương án 2 gồm 8 môn chia ra thành 5 bài là khả thi hơn cả. Mặc dù hiện nay có ý kiến cho rằng, nếu học sinh phải làm 5 bài thi cho 8 môn thì sẽ rất nặng nề. Để giảm áp lực cho thí sinh, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cho các trường học cân đối chương trình trong sách giáo khoa. Nếu thấy trong sách có những phần nào không cần thiết thì có thể cho các trường bỏ bớt đi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ đồng ý với việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT để từ đó lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Việc gộp 2 kỳ thi vào làm một sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh khi từ 4 ngày thi xuống còn 2 đến 2,5 ngày cũng như giảm chi phí tổ chức cho 1 kỳ thi tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bài 3: Muốn đổi mới thi THPT, phải chữa được “bệnh” thành tích
Giảm tiêu cực phải từ tổ chức và chấm thi tốt
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, cả 3 phương án thi đều có những điểm tích cực và mặt hạn chế. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là đổi mới thi cử thì phải giảm được tiêu cực và “bệnh” thành tích. Thực chất, nếu một kỳ thi có giảm được tiêu cực hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu tổ chức thi và chấm thi.
Nếu công tác tổ chức thi không nghiêm túc khiến tỷ lệ học sinh có thể ngang nhiên trao đổi bài, mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi vẫn như trước hoặc tăng lên thì không thể thể đánh giá kỳ thi đó thực sự nghiêm túc và có sự đổi mới. Bên cạnh đó, nếu chấm thi mà không nghiêm túc thì tiêu cực trong thi cử và “bệnh” thành tích trong giáo dục sẽ vẫn còn tiếp diễn. Mặt khác, một kỳ thi có khắc phục được tiêu cực hay không còn phụ thuộc vào việc dạy thật, học thật, thi thật.
Ngoài ra, việc lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ giảm được số ngày thi, tiết kiệm kinh phí cho xã hội. Nếu kỳ thi được tổ chức tốt và nghiêm túc thì các trường ĐH, CĐ hoàn toàn yên tâm vào kết quả học sinh làm bài để lấy đó làm căn cứ thực hiện tuyển sinh.
Những trường ĐH, CĐ tốp trên (trường có uy tín về chất lượng đào tạo) có thể lấy thí sinh có điểm cao nhất đến hết chỉ tiêu vào trường hoặc lấy thí sinh có điểm thi các môn Tự nhiên hoặc Xã hội cao nhất. Ví dụ như một thí sinh làm làm 5 bài thi đạt điểm tối đa là 50 điểm thì các trường có thể lấy thí sinh đạt cao nhất là 50 điểm cho đến thí sinh có điểm thấp nhất là 40 điểm. Ngoài ra, các trường chuyên ngành khác nhau, có thể lấy thí sinh đạt các môn thi về Tự nhiên hoặc Xã hội cao nhất phù hợp với đặc thù của trường mình cho đến đủ chỉ tiêu. Chứ các trường tốp trên không nên tổ chức thi lại làm gì cho tốn kém thêm.
Với các trường ĐH, CĐ có tính chất đặc thù như: Âm nhạc, sân khấu điện ảnh, thể dục thể thao thì có thể tổ chức thêm 1 kỳ thi Năng khiếu để sàng lọc thí sinh vào trường. Hình thức này đã được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, các nước trên thế giới lại rất coi trọng đào tạo và sàng lọc sinh viên sau khi được vào ĐH, CĐ. Không phải người nào đỗ ĐH, CĐ là cũng ra trường bằng ấy mà có sự sàng lọc rất khắt khe. Nếu sinh viên nào không học tập nghiêm túc và nỗ lực thì có thể bị trượt hoặc phải ra khỏi trường từ những năm đầu nhập học./.