Trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo theo như Nghị quyết 29 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, năm nay, Bộ GD-ĐT ưu tiên chọn đổi mới thi cử là bước đột phá. Theo đó, Bộ vừa công bố Dự thảo 3 phương án tổ chức cho một kỳ thi quốc gia chung theo cách gộp kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) vào làm một. Kết quả của kỳ thi quốc gia chung sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngay sau khi công bố Dự thảo, lãnh đạo các tỉnh, thành và đại diện Sở GD-ĐT các địa phương đã có ý kiến đóng góp cho tổ chức một kỳ thi quốc gia chung.

Trong 1- 2 năm đầu nên thi theo môn

ong_son_awnr.jpg 

Ông Lê Hồng Sơn

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD- ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới thi cử là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, học tập của giáo viên và học sinh. Nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia chung thì 1-2 năm đầu tiên nên thực hiện theo phương án 1 (thi theo môn). Vì cả công tác tổ chức thi, ra đề thi cũng như việc dạy học của thầy trò ở trường phổ thông cần có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị, điều chỉnh. 

Với yêu cầu và thực tế triển khai dạy học ở các trường phổ thông hiện nay có thể đáp ứng ngay đối với phương án 1. Với phương án này, cùng với việc phát huy tiếp hướng đổi mới ra đề thi như năm 2014, vẫn sẽ có những chuyển biến tích cực đảm bảo mục tiêu đặt ra của kì thi quốc gia.

Phương án 2 (thi theo bài) mà Bộ GD-ĐT đề xuất là một phương án có nhiều ưu điểm nhưng nên để tới năm 2016 thực hiện, sau khi đã chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết cho việc giảng dạy và học tập.

Phương án 3 (thi theo bài, gồm 11 môn) là phương án tiếp nối phương án 2, nhưng phải sau một thời gian thực hiện kỳ thi quốc gia chung, có tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thận trọng. Cả ba phương án đều tốt, nhưng điều quan trọng là cần một lộ trình hợp lý để chuẩn bị và thực hiện.

Đồng ý với việc tổ chức theo phương án 1, ông Bùi Đức Cường, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên cho rằng, năm 2015 nên thực hiện phương án 1 vì cách thức tổ chức thi theo phương án này phù hợp với điều kiện, yêu cầu dạy học ở bậc phổ thông hiện có.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có đông học sinh người dân tộc nên chưa thể làm quen ngay với phương án thi tích hợp liên môn. Giáo viên cũng chưa thể ngay lập tức hướng dẫn học sinh học tập đáp ứng yêu cầu này. Vì vậy, trước tiên nên áp dụng phương án 1.

Đề thi theo bài là phương án hay

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phương án 2 (thi theo bài) cũng là phương án hay nhằm đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh.

 

Ông Nguyễn Văn Minh

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong phương án do Bộ đề xuất theo hướng “thi theo bài” cũng đặt ra các bước ban đầu sẽ chỉ tổng hợp câu hỏi của các môn khác nhau trong bài thi tổng hợp liên môn. Chỉ sau khi việc dạy học ở bậc phổ thông đã điều chỉnh thì đề thi mới ra theo các câu hỏi mang tính tổng hợp, vận dụng kiến thức tổng hợp của tất cả các môn. Vì vậy, sẽ không bị xáo trộn như nhiều người lo lắng. Phương án 2 là phương án có thể thực hiện được ngay trong năm 2015.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang bày tỏ quan điểm cho rằng phương án 2 là phương án rất hay. Nhưng nếu thực hiện ngay năm 2015 thì chưa nên vì giáo viên và học sinh chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cách giảng dạy và học tập tích hợp. Vì thế, trước mắt nên thực hiện phương án 1 trong một năm, sau đó, khoảng năm 2016 thì thực hiện phương án 2 và sau năm 2020 thì thực hiện phương án 3.

 

Ông Trần Thanh Đức

Để thực hiện đổi mới kì thi quốc gia tốt cũng cần nhanh chóng có những điều chỉnh mạnh ở tuyển sinh ĐH,CĐ, xóa bỏ việc thi thi theo khối. Với phương án 1 mà Bộ GD-ĐT đề xuất thi mục đích này vẫn có thể thực hiện được ngay trong năm sau mà không gây xáo trộn cho nhà trường và người học.

Trong khi đó, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ nêu quan điểm, về lâu dài có thể chọn phương án 2, nhưng trước mắt nên chọn phương án 1. Lý giải về lựa chọn này, ông Khiếm cho rằng, phương án 1 với 4 môn thi để xét công nhận tốt nghiệp, giảm áp lực về số lượng môn thi và thí sinh lại được chủ động chọn lựa môn bổ sung phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH có sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia.

Tuy nhiên, về lâu dài thì phải tiến tới phương án 2, sao cho phù hợp với những đổi mới đã được đặt ra trong chương trình sách giáo khoa với chương trình giáo dục tích hợp. Việc thực hiện chương trình mới đi kèm đào tạo giáo viên cho các môn học tích hợp là bản lề quan trọng để thực hiện thành công phương án 2. Còn trước mắt nên duy trì phương án 1.

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung cần được lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp phân tích, đánh giá chung để có cơ sở quyết định phương án cuối cùng./.

Dự thảo 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia:

Phương án 1: Thi theo môn

 Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn;

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí;

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.

Phương án 2: Thi theo bài

Trong Kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:

- Bài thi Toán;

- Bài thi Ngữ văn;

- Bài thi Ngoại ngữ;

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí);

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Thi theo bài

Trong Kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm:

- Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học);

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân);

- Bài thi Ngoại ngữ;

Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên./.