Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến góp ý nhân dân, dư luận xã hội, hoàn thiện phương án cuối cùng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để có thể áp dụng vào năm 2015.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo 3 phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung là một vấn đề tác động lớn đến xã hội, đặc biệt là từng gia đình, phụ huynh và học sinh nên cần phải được nghiên cứu, trưng cầu ý kiến rộng rãi của nhiều tầng lớp nhân dân.
Tất cả những đổi mới về thi cử nếu khó khăn cho ngành Giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiếp cận được với mục tiêu đổi mới, thì phải quyết tâm và phải đổi mới quyết liệt, đi đến cùng”.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Bộ GD-ĐT ưu tiên hàng đầu trong lộ trình đổi mới thi, đánh giá học sinh và tuyển sinh theo Nghị quyết 29 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo. Việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ có mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh mà còn tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; để các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả đó trong tuyển sinh.
Nhằm giúp độc giả hiểu hơn về tầm quan trọng của đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những mặt tích cực và còn hạn chế của các phương án đổi mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra, báo Điện tử VOV.VN xin giới thiệu loạt bài viết với chủ đề: “Đổi mới thi tốt nghiệp THPT nếu có lợi cho xã hội, dù khó khăn vẫn làm”.
Bài 1: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Thầy và trò “lúng túng” với đề tích hợp
Bài 2: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Nhiều Đại học vẫn phải tổ chức thi thêm
Bài 3: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT phải giải quyết được “bệnh” của giáo dục
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo gồm 3 phương án đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, kỳ thi này được thực hiện bằng cách gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) vào làm một (kỳ thi quốc gia chung). Kết quả của kỳ thi này sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đây là một trong những bước đi bứt phá đầu tiên của ngành giáo dục khi thực hiện Nghị quyết 29 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.
Học sinh THPT chưa quen với làm đề thi tích hợp gồm nhiều môn (ảnh minh họa)
Giảng dạy, học tập và ra đề thi tích hợp còn mới lạ
Trong 3 phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra cho thấy, có sự thay đổi về đề thi theo môn hoặc theo bài. Mặc dù Dự thảo đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi lựa chọn phương án cuối cùng nhưng điều mà nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và dư luận xã hội vẫn băn khoăn là về đề thi tích hợp các môn học.
Ở một số tỉnh, thành phố lớn có nền kinh tế phát triển như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng..., chất lượng giáo dục được đánh giá là tiên phong so với nhiều địa phương khác khi tiếp cận nhanh với những công nghệ hiện đại để áp dụng vào giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, việc giảng dạy tích hợp (có sự liên kết giữa các môn học) vẫn còn là sự mới mẻ. Hiện nay, giáo viên và học sinh chưa quen với cách giảng dạy và học tập tích hợp. Bởi khi giảng dạy tích hợp thì giáo viên ở một môn học nào đó phải thường xuyên tự bồi dưỡng kiến thức và phải có sự trao đổi liên tục với những giáo viên dạy các môn khác.
Để chuẩn bị cho việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, ở trường học, giáo viên phải cho học sinh làm quen dần với việc làm bài kiểm tra theo hình thức thi theo bài gồm nhiều môn trong một đề thi. Thế nhưng, hiện nay, học sinh vẫn chủ yếu làm bài kiểm tra theo kiểu học môn nào thì đề thi sẽ ra xung quanh những kiến thức của môn học đó.
Ngoài ra, ở các trường học, không phải giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nào cũng có đủ năng lực, trình độ để ra đề thi tích hợp gồm nhiều môn thi.
Những mới lạ trong việc giảng dạy, học tập và ra đề thi tích hợp trong một kỳ thi quốc gia chung mà các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế và chất lượng giáo dục phát triển chưa thể thực hiện được thì đối với những địa phương khó khăn lại càng khó triển khai.
Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, lại có đông học sinh là người dân tộc thiểu số, việc ra đề thi cũng chỉ thực hiện theo cách học sinh học môn nào thì chỉ thi môn đó. Đa phần học sinh chưa làm quen ngay với phương án thi tích hợp liên môn. Giáo viên cũng chưa thể ngay lập tức hướng dẫn học sinh học tập đáp ứng yêu cầu này.
Ông Lê Hoàng Tươi
Đến nay, giáo viên và học sinh ở tỉnh Hậu Giang chưa quen với cách làm đề thi tích hợp nên nếu tổ chức kỳ thi quốc gia chung thì ngành giáo dục của tỉnh phải được hướng dẫn các bước đi cụ thể để phổ biến cho giáo viên. Sau đó, giáo viên mới có cách thức thay đổi phương pháp truyền đạt kiến thức và ra đề thi phù hợp với một kỳ thi quốc gia chung.
Ông Lê Hoàng Tươi bày tỏ lo ngại, nếu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, không chỉ giáo viên phải thích nghi và thay đổi trong cách dạy học mà học sinh sẽ phải học tập với một khối lượng kiến thức nhiều hơn.
Nếu tích hợp các môn trong một đề thi mà không có sự chắt lọc kiến thức thì có thể dẫn đến hiện tượng học sinh không biết làm câu, phần nào trước và còn lúng túng vì lo lắng với khối lượng câu hỏi của đề bài.
Ngoài ra, nếu tổ chức thi do địa phương quản lý thì Hội đồng thi không biết sẽ phải thực hiện như thế nào. Thực sự đây là vấn đề rất khó khăn cho những nơi nào còn khó khăn và chưa quen với cách giảng dạy, học tập và ra đề thi tích hợp.
Phương án thi theo bài chưa thể thực hiện ngay được
Thực chất, Bộ GD-ĐT chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách cơ bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo nhằm để từ đó tác động tích cực đối với việc nâng cao phương pháp giảng dạy và học tập ở trường THPT, cải tiến phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học.
Thế nhưng, hiện nay, việc học tập và thi cử của học sinh vẫn theo hình thức học môn nào thi môn đó, học gì thi nấy. Thậm chí, vẫn còn tình trạng “thầy đọc, trò chép”. Vì thế, ngay lập tức áp dụng ra đề thi tích hợp ngay trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2015 là quá gấp gáp khiến nhiều trường học, giáo viên và học sinh không chuẩn bị kịp.
Ông Lê Hồng Sơn
Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến và phát triển như: Mỹ, Pháp, CHLB Đức, Hà Lan, New Zealand..., việc giảng dạy, học tập và kiểm tra bằng cách ra đề thi tích hợp các môn học ở các trường THPT được đánh giá rất cao. Đề thi có khả năng phát hiện và đánh giá được năng lực học tập toàn diện của học sinh tương đối chính xác.
Còn ở Việt Nam, cho đến nay, việc học tập, giảng dạy, ra đề thi tích hợp hầu như chưa được thực hiện ngay từ trong trường học. Thêm nữa, nước ta chưa có sách giáo khoa hướng dẫn học tập và ra đề thi tích hợp.
Ở một trường học, số lượng giáo viên có thể tổ chức học tập và ra đề theo hình thức này cũng hiếm. Vì thế, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa lấy đó làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh cần có lộ trình và thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD- ĐT TP HCM cho rằng, đổi mới thi cử là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, học tập của giáo viên và học sinh.
Nếu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì 1-2 năm đầu tiên nên thực hiện theo phương án 1 (thi theo môn, gồm 4 môn như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014). Vì cả công tác tổ chức thi, ra đề thi cũng như việc dạy học của thầy trò ở trường phổ thông cần có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị, điều chỉnh. Với yêu cầu và thực tế triển khai dạy học ở các trường phổ thông hiện nay có thể đáp ứng ngay đối với phương án 1. Với phương án này, cùng với việc phát huy tiếp hướng đổi mới ra đề thi như năm 2014, vẫn sẽ có những chuyển biến tích cực đảm bảo mục tiêu đặt ra của kỳ thi quốc gia.
Phương án 2 (thi theo bài, gồm 8 môn) mà Bộ GD-ĐT đề xuất là một phương án có nhiều ưu điểm nhưng nên để tới năm 2016 thực hiện, sau khi đã chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết cho việc giảng dạy và học tập.
Phương án 3 (thi theo bài, gồm 11 môn) là phương án tiếp nối phương án 2, nhưng phải sau một thời gian thực hiện kỳ thi quốc gia chung, có tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thận trọng. Cả ba phương án đều tốt, nhưng điều quan trọng là cần một lộ trình hợp lý để chuẩn bị và thực hiện.
Ông Trần Thanh Đức
Để thực hiện đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tốt cũng cần nhanh chóng có những điều chỉnh mạnh ở tuyển sinh ĐH,CĐ, xóa bỏ việc thi theo khối. Với phương án 1 mà Bộ GD-ĐT đề xuất thi mục đích này vẫn có thể thực hiện được ngay trong năm sau mà không gây xáo trộn cho nhà trường và người học.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ nêu quan điểm, về lâu dài có thể chọn phương án 2, nhưng trước mắt nên chọn phương án 1. Lý giải về lựa chọn này, ông Khiếm cho rằng, phương án 1 với 4 môn thi để xét công nhận tốt nghiệp, giảm áp lực về số lượng môn thi và thí sinh lại được chủ động chọn lựa môn bổ sung phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phóng viên VOV.VN sẽ cùng độc giả phân tích kỹ hơn về việc đổi mới kỳ thi này đối với việc xét tuyển đại học, cao đẳng trong Bài 2: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Nhiều Đại học vẫn phải tổ chức thi thêm./.