Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mới đây trên quốc lộ 1A |
Như đã đề cập, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là hai địa phương có tai nạn giao thông tăng cao. Trước tình hình này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Ban An toàn giao thông các tỉnh nói trên đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường công tác quản lý nhà nước và kinh doanh vận tải…
Ông Cao Văn Mão, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Biện pháp trước mắt và lâu dài là tuyên truyền giáo dục để tất cả mọi người tham gia hiểu rõ pháp luật về an toàn giao thông để thực hiện cho tốt. Trong những năm qua chúng tôi có những cuộc thi về tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông đối với đối tượng học sinh sinh viên và thanh niên. Ký kết giao ước thi đua đảm bảo an toàn giao thông với các Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, hội nông dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc… để tuyên truyền sâu rộng pháp luật an toàn giao thông đối với mọi người trong xã hội”.
Đối với các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đã khởi công, các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng đúng thời gian.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận kiến nghị: “Để giảm tai nạn giao thông bền vững, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cần sớm triển khai các giải pháp dài hạn. Đầu tiên là nâng cấp hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng Quốc lộ 1A, đồng thời lắp đặt dải phân cách để tránh trường hợp đối đầu giữa các phương tiện. Thứ hai là xây dựng hệ thống giám sát trên Quốc lộ 1A, áp dụng công nghệ vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài việc vận chuyển đường bộ thì đề nghị tăng cường năng lực vận chuyển đường sắt, đường biển”.
Cùng đồng ý với việc nhanh chóng nâng cấp Quốc lộ 1A, Thạc sỹ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải giữ cho được hành lang đường bộ, mở thêm tuyến đường địa phương để tách hẳn với Quốc lộ 1A nhằm giảm nguy cơ tai nạn, nhất là tại các điểm giao nhau.
“Đầu tiên phải giữ được lộ giới, đó là hành lang đường bộ nên phải giữ. Và làm sao tách hẳn xe hai bánh chạy riêng ra. Nếu trục đường nào đi xuyên qua đô thị thì nên mở thêm một tuyến đường địa phương để không chạy chung với đường Quốc lộ”.
Xác định yếu tố chủ quan của con người vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, trong nhiều năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai đã kiên quyết xử lí nghiêm các vi phạm liên quan đến lỗi hành vi của tài xế và người điều khiển phương tiện.
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai đã tăng cường lực lượng, thường xuyên có 2/3 quân số của các đội tuần tra ngày đêm, chủ yếu là tuần tra lưu động để nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, chủ yếu là vi phạm tốc độ và điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia…
Ngoài tuần tra, phạt các lỗi vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông còn tổ chức các chuyên đề, xử lí xử phạt thông qua hình ảnh camera... Trong 11 tháng đã xử phạt 327.000 phương tiện, nộp ngân sách gần 106 tỷ đồng.
Chính sự nghiêm khắc của lực lượng cảnh sát giao thông mà các tài xế khi đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai gần như không còn dám chạy qua tốc độ, lấn vượt trái qui định, qua đó đã giảm rõ rệt tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Thượng tá Đặng Thế Trung, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai nói: “Trong thời gian tới phòng Cảnh sát giao thông sẽ tập trung tối đa lực lượng, phương tiện nhằm tuần tra kiểm soát, xử lí triệt để các vi phạm tập trung vào các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó tập trung vào các chuyên đề như là xử lí vi phạm về tốc độ, về nồng độ cồn, tránh vượt, đi không đúng làn đường… Đặc biệt, những tháng cuối năm sẽ tập trung xử lý các chuyên đề về xe khách vận chuyển khách trong thời gian Tết”.
Thực hiện chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, trong đó có các biện pháp chính là xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, huy động tối đa lực lượng để xử lý lái xe vi phạm và thanh tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang tăng cường công tác quản lý vận tải đối với xe khách và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã tích cực vào cuộc để giải bài toán “giảm tai nạn giao thông”.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói: “Năm 2014, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang đề ra chủ đề siết chặt quản lý vận tải xe khách và xe quá tải. Tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm của lái xe khách; các doanh nghiệp vận tải cũng phải tăng cường công tác giáo dục nâng cao trách nhiệm người lái xe. Ngoài ra, sử dụng các giải pháp về công nghệ như thiết bị giám sát hành trình phải theo dõi chặt chẽ, theo dõi hoạt động xe khách. Từ đó đề ra những giải pháp cho phù hợp, những doanh nghiệp vi phạm nhiều thì xử lý nghiêm theo pháp luật”.
Để góp phần giảm tai nạn giao thông, không chỉ là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà còn phải có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các qui định về Luật giao thông đường bộ. " Hãy lái xe bằng cả trái tim" để tai nạn giao thông không đến với bạn./.