Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập tình hình tai nạn giao thông của xe khách  trên tuyến Quốc lộ 1A từ Ninh Thuận đến Đồng Nai. Phân tích nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu vẫn là ý thức của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, về khách quan thì hiện nay, tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn các tỉnh  nói trên cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

mo-400-1.jpg
QL 1A qua phía bắc tỉnh nhiều đoạn hư hỏng cần được nâng cấp.

Đoạn Quốc lộ 1A đi qua khu vực các tỉnh từ Ninh Thuận đến  Đồng Nai dài hơn 347 km, nhưng phần lớn đã xuống cấp, mặt đường hẹp, trong khi mật độ xe lưu thông cao. Bên cạnh đó không thể không nói đến tình trạng họp chợ ven đường. Dù biết nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm bởi mưu sinh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận mới chỉ có đoạn qua thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (đường Lê Duẩn) được xây dựng tuyến tránh dài 10km, mặt đường mở rộng 21 m đã được đưa vào sử dụng, còn lại dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Km 1561+134 huyện Ninh Phước, điểm cuối tại Km 1589+300 địa phận huyện Thuận Nam với tổng chiều dài khoảng 17,5km mới chỉ khởi công và trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Và trong tổng số 44 cầu trên toàn tỉnh thì có 23 cầu yếu và trung bình phải hạn chế lưu thông.

Tại tỉnh Bình Thuận trong năm 2013 cũng có 3 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A được khởi công. Đó là đoạn Km1589+300 đến Km1642, bắt đầu từ xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đến xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, đoạn Km1692 đến Km1720+800 bắt đầu từ xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, qua thành phố Phan Thiết đến xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam và dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1A đoạn Km 1720+ 800 huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận đến Km 1851+714 huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, tất cả những công trình kể trên chỉ mới khởi công và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và không biết đến khi nào mới đưa vào sử dụng.  Tuyến quốc lộ vẫn chủ yếu là hỗn hợp giữa các dòng phương tiện, chưa có dải phân cách cứng phân làn cho xe 2, 3 bánh nên lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, hơn 50 km Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh mặt đường rất xấu, ổ gà rất lớn, có những đoạn tài xế kêu 50-60 km/h là không đi được. Hơn nữa có những đoạn thường xuyên bị ngập. Ngoài ra trên tuyến Quốc lộ 1, một số vạch sơn đường biển báo không đồng bộ”. 

Theo thạc sỹ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh thì một nguyên nhân quan trọng nữa là do Quốc lộ 1A không đúng với tiêu chuẩn của đường Quốc lộ. Trên các tuyến của Quốc lộ 1A lại thường xuyên có các nút giao đều là đồng mức nên tạo nhiều xung đột nguy hiểm, gây ùn tắc giao thông.  Trong khi đó, phần đường cho xe thô sơ lưu thông hẹp, không có dãy phân cách cứng, mặt đường còn bị chiếm dụng là sân phơi lúa, nhất là ở đoạn quốc lộ thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận nên không tránh khỏi tai nạn giao thông.

Với một con đường đã tồn tại hơn thế kỷ, là xương sống của đất nước, đã gồng mình trước sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông, quốc lộ 1A đã không  theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy việc phải có một quy hoạch cụ thể, hoàn thiện về một hệ thống giao thông hiện đại của quốc gia vẫn đang là bài toán của các nhà hoạch định giao thông, không chỉ cho khu vực Đông Nam bộ mà còn của cả  vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.