Hầu như năm nào tại khu vực này cũng có những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Phóng viên VOV thường trú TP HCM đề tập vấn đề qua loạt phóng sự "Làm gì để hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A khu vực Đông Nam bộ, từ Ninh Thuận đến Đồng Nai".
Đoạn Quốc lộ 1A đi qua các tỉnh từ Ninh Thuận đến Đồng Nai dài hơn 347 km, trong đó dài nhất là qua tỉnh Bình Thuận với 180 km. Tuyến qua hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hiện đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng mỗi ngày đều phải oằn mình gánh từ 10.000 đến 18.000 lượt xe lưu thông.
Hiện trường vụ tai nạn ở tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc vào tháng 11/2011 |
Đây cũng là tuyến đường đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông xe khách nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Điển hình là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như vụ tai nạn ở tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc vào tháng 11/2011 làm 10 người chết trong vụ xe khách bị cháy sau khi va chạm.
Hai vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 5/2013 tại xã Sông Phan và xã Tân Phúc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận làm 10 người chết.
Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận làm 3 người chết và nhiều người bị thương nặng vào cuối tháng 10/2013.
Các nạn nhân vụ tai nạn tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận |
Ông Võ Ngọc Sang, người đã chứng kiến và tham gia cứu người trong vụ tai nạn giao thông ở xã Sông Phan vào tháng 5/2013 kể: “Hồi đó xe Phan Thiết 16 chỗ chạy lách ổ gà nên đâm container chở hàng. Nhắc lại vụ tai nạn này tôi rất ám ảnh vì thấy bao nhiêu người chết, thảm thương lắm mà cứu không được”.
Thực tế cho thấy, đoạn quốc lộ 1A bắt đầu vào địa phận tỉnh Bình Thuận, từ huyện Hàm Tân, qua Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong đường vắng người, tầm nhìn thoáng. Chính vì thế, các tài xế, nhất là tài xế xe khách thường chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, dễ gây ra tai nạn.
Anh Bùi Long Hoàng, tài xế chạy tuyến Sài Gòn- Nha Trang cho biết: “Trong địa phận TP HCM, cảnh sát giao thông làm chặt chẽ quá cho nên không lưu thông được nhanh. Khi ra đến địa phận Đồng Nai, tài xế thường vượt lên cho kịp thời gian. Bên cạnh đó, điểm Bình Thuận- Đồng Nai hướng đi vào là điểm cuối để trả hàng, trả khách do đó ai cũng tranh thủ đi nhanh vào thành phố Hồ Chí Minh nên thường xảy ra tai nạn”.
Tại tỉnh Ninh Thuận, theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh, trong 9 tháng năm 2013, trên đoạn Quốc lộ 1A đi qua tỉnh đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông làm chết 29 người, so với cùng kỳ năm 2012, số vụ và số người chết đều tăng. Còn tại Bình Thuận, đã có 101 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến quốc lộ 1A, làm 115 người chết, 40 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2012, số người chết và bị thương tăng khoảng 40%.
Tại Đồng Nai, trong 9 tháng đã xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 34 người và bị thương 16 người.
Ông Cao Văn Mão, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận phân tích nguyên nhân: “Tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, vượt sai qui định, đi quá tốc độ, tránh vượt sai qui định”
Nổi lên trong thời gian gần đây là tai nạn xe khách giường nằm khi loại hình vận tải này đang phát triển nhanh chóng. Ở đây chưa đề cập đến yêu cầu kỹ thuật, độ an toàn của các loại xe giường nằm này, nhưng với thời gian lưu thông chủ yếu vào ban đêm sẽ dễ dẫn đến việc lái xe buồn ngủ, không làm chủ tốc độ, gây ra tai nạn.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói: “Nguyên nhân trước hết là do người điều khiển phương tiện vi phạm các qui định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, nhất là khi ban đêm, đoạn đường vắng, chủ quan. Thứ hai là tai nạn giao thông do xe giường nằm có chiều hướng gia tăng và xe giường nằm khi xảy ra tai nạn thì hậu quả lớn hơn xe ghế ngồi”.
Trở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, cảnh thường thấy trên tuyến đường này là các xe khách vẫn chạy quá tốc độ cho phép, vượt ẩu ngay cả ở đoạn đường có biển cấm vượt.
Và trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã chứng kiến một vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn xã Phan Rí, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khi một xe chạy hướng Sài Gòn- Ninh Thuận lấn tuyến và đâm thẳng vào xe tải chạy ngược chiều làm hai người chết tại chỗ và nhiều người bị thương. Hiện trường vụ tai nạn cho thấy đây hoàn toàn do lỗi của con người khi đường thẳng, tầm nhìn thông thoáng. Điều đó đã khẳng định, ngoài các yếu tố khách quan như chất lượng đường, chất lượng xe, thời tiết….thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của người điều khiển phương tiện./.