Bộ GTVT vừa trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó đề xuất 3 phương án để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”.

taxi1_anap.jpg
Bộ GTVT đề xuất 3 phương án để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Cần phải có phù hiệu để nhận biết xe kinh doanh vận tải

Theo phương án 1, việc nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải được thực hiện thông qua các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay.

Đại diện Bộ GTVT đánh giá, với phương án này, việc nhận diện sẽ phụ thuộc vào ý thức tuân thủ quy định của doanh nghiệp về việc gắn phù hiệu, biển hiệu, dẫn đến lực lượng chức năng khó kiểm soát điều kiện kinh doanh, hoạt động vận tải lộn xộn, thiếu minh bạch.

Phương án trên cũng gây thất thu cho ngân sách khi không kiểm soát được quy mô, ngành nghề kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải không đăng ký, không thực hiện đúng quy định về phù hiệu, biển hiệu. Người dân sẽ gặp rủi ro khi sử dụng dịch vụ kinh doanh vận tải trá hình.

Phương án 2 được Bộ GTVT đề xuất nhận diện thông qua màu biển số xe ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện.

Với phương án này, cá nhân, tổ chức khi đăng ký sở hữu phương tiện đã phải xác định phương tiện đó có được sử dụng vào kinh doanh vận tải hay không. Thông qua việc nhận diện màu biển số, lực lượng chức năng kiểm soát được điều kiện kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.

Để phân biệt xe kinh doanh và không kinh doang, phương án được Bộ GTVT đề xuất nhận diện thông qua màu biển số xe ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện.

“Việc phân biệt màu biển số của phương tiện cho phép áp dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ một cách hiệu quả, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Không những vậy, người dân tránh được rủi ro khi sử dụng đúng các phương tiện được Nhà nước quản lý,” đại diện Bộ GTVT phân tích.

Về nhược điểm, phương án 2 sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải đồng thời phía Bộ này ước tính sẽ mất khoảng trên 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi giấy đăng ký và biển số xe đối với trên 700.000 xe đang kinh doanh vận tải.

Phương án 3 là nhận diện thông qua màu tem đăng kiểm.

Cụ thể, danh sách phương tiện kinh doanh vận tải sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để thực hiện việc thay đổi tem đăng kiểm làm cơ sở cho việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện không kinh doanh vận tải.

Ngoài việc thay đổi màu để nhận diện, tem đăng kiểm sẽ có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Phương án này phân biệt được giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, kiểm soát được nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải. Thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.

Mặt khác, phương án này cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và biển số để nhận diện, doanh nghiệp không thể tùy tiện trong việc gắn hoặc không gắn phù hiệu.

Đại diện Hiệp hội taxi một số thành phố cũng ủng hộ xe kinh doanh vận tải khách (taxi) nên thống nhất một số màu sơn nhất định cho dễ phân biệt, khi có sự cố, gian lận khánh hàng, cơ quan quản lý cũng dễ dàng nhận biết qua màu sơn để có biện pháp xử lý.

Nhìn nhận việc phải liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và dữ liệu về đăng kiểm, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, chi phí này là không đáng kể vì hai hệ thống trên đang tồn tại và có thể kết nối liên thông ngay.

Trên cơ sở phân tích của từng phương án, Bộ GTVT lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 3.

Taxi có màu riêng là dễ nhận biết và dễ quản lý

Trước đó không lâu, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô.

Cụ thể, tại Dự thảo Nghị định mới đây nhất, Bộ GTVT quy định trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả tài xế) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Với quy định này, các hiệp hội taxi cho rằng Bộ Giao thông vận tải “tiếp thu” chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo các hiệp hội taxi, việc quản lý hình ảnh ghi được từ camera cần "kết nối, chia sẻ, liên thông", quản lý trực tiếp bởi cơ quan nhà nước thay vì khi có yêu cầu mới đưa ra.

"Nếu chỉ lưu giữ ở doanh nghiệp thì quy định này chỉ mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp, không đảm bảo sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp", các hiệp hội đánh giá.

Các hiệp hội taxi trong nước cũng cho rằng cần quy định thêm về việc phải chuyển dữ liệu về cho cơ quan quản lý nhà nước mới thể hiện được vai trò quản lý, giám sát của nhà nước và mới có ý nghĩa.

Bởi dữ liệu chỉ lưu trữ trong vòng 3 ngày, nếu không chuyển về cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ khi thanh tra mới phát hiện được sai phạm và thậm chí không thể phát hiện do doanh nghiệp có thể tác động vào phần mềm.

"Nếu doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc thì việc chuyền tải dữ liệu về Sở GTVT sẽ là sự kết hợp tốt giữa thanh tra Sở GTVT với đội ATGT của doanh nghiệp, giúp can thiệp kịp thời khi lái xe gặp sự cố và cũng để xử lí kịp thời với lái xe vi phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội có thể xảy ra".

Vì vậy, các đơn vị này đề nghị Bộ GTVT cho thành lập Trung tâm quản lí dữ liệu giao thông độc lập.

Đại diện Hiệp hội taxi một số thành phố cũng ủng hộ xe kinh doanh vận tải khách (taxi) nên thống nhất một số màu sơn nhất định cho dễ phân biệt, khi có sự cố, gian lận khánh hàng, cơ quan quản lý cũng dễ dàng nhận biết qua màu sơn để có biện pháp xử lý.

“Đã gọi kinh doanh vận tải ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải tuân thủ theo luật pháp. Lâu nay đã thả nổi, bây giờ phải đưa vào quản lý. Cơ quan quản lý cần có lộ trình về quy định màu sơn. Việc này có lợi cho các hãng lẫn hành khách”, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị./.