Chiều 30 Tết, sau khi mọi người cùng gia đình quây quần quanh mâm cơm tất niên rồi bồng bế nhau ra đường đổ về các trung tâm để chờ đón màn trình diễn pháo hoa, thì trên tầng 4 của tòa nhà 41-43 Bà Triệu, Hà Nội, (trụ sở làm việc của Ban Thời sự trước đây, nay là Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1) gần 20 cán bộ, phóng viên của VOV1 và các kỹ thuật viên của Trung tâm Âm thanh vẫn mải miết lướt bàn tay trên phím máy tính, nhấn chuột để biên tập âm thanh, gọi điện thoại liên hệ với khách mời...
Tất cả đang “làm Tết”. Không khí hối hả, nhộn nhịp khiến họ dường như quên đi ngoài kia mùa xuân đang đến, quên đi lúc này ở nhà chỉ có một mình người vợ (hoặc chồng) đang cùng các con sửa soạn mâm cơm cúng Tổ tiên... Năm nào bữa cơm chiều 30 Tết của những người “làm Tết” cũng chỉ đơn giản với tấm bánh chưng, khoanh giò lụa... ăn thật nhanh; có người vừa ăn nhưng tai nghe vẫn trên đầu, và dừng lại bất cứ lúc nào để biên tập lại đoạn âm thanh cho ưng ý...
NSND Thanh Hoa tham gia chương trình giao thừa Xuân Giáp Thân năm 2004 |
Thời gian đêm 30 như chạy nhanh hơn ngày thường, ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến giờ lên sóng. Tất cả ekip huỳnh huỵch chạy vào studio, lại nghe, lại bàn bạc, lại trao đổi... có lúc to tiếng quên cả... Tết. Chỉ đến khi người dẫn chương trình vào vị trí, đạo diễn yêu cầu tất cả im lặng và kỹ thuật viên đếm ngược... “5, 4, 3, 2, 1 lên sóng...”! Lúc đó ai lấy mới thở phào nhẹ nhõm. Show 1 mà xuôi chắc chắn là các show đuôi sẽ lọt. Biết bao năm làm Tết, vậy mà bao giờ cái không khí sôi động, hồi hộp ấy cũng luôn mới, luôn lạ và cuốn hút tất cả. Có lẽ vì thế mới có chương trình hay được...
Đêm giao thừa cứ sâu hơn, sâu hơn... Show 1, Show 2 qua đi để Show 3 “chào Xuân mới” bắt đầu... Trước khi bước vào dẫn chương trình, vội ngó cổ qua cửa sổ nhìn xuống đường Bà Triệu nhộn nhịp ồn ào. Nhiều người đang dừng xe ngước mặt lên trời chờ đón màn pháo hoa từ bờ Hồ Hoàn Kiếm sẽ bắt đầu sau mươi phút nữa...
Tuy nhiên, cũng chỉ ngắm vậy thôi, rồi lại phải nhanh chóng vào vị trí vì bài hát “Lắng nghe mùa xuân về” đã đến những đoạn cuối... và nhiệm vụ bắt đầu. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng là đủ để không khí mùa xuân ùa vào trong giọng nói... rồi thăng hoa trên làn sóng đến với những bạn nghe thân thiết đang lắng nghe mùa xuân về trên radio. Chính nguồn cảm hứng ấy lây lan sang các đồng nghiệp ở các điểm cầu Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên, TP HCM... Vui và hào hứng lắm.
Tết năm nào Đài cũng đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sự có mặt của các “khách VIP” là niềm vinh dự cho Đài và cho những người làm chương trình. Có “khách VIP”, công việc chuẩn bị phải chu đáo hơn, kỹ càng hơn... Lo lắng, hồi hộp cũng nhiều hơn... Nhưng cũng vui hơn, hào hứng hơn rất nhiều.
Nhiều nghệ sĩ cũng thường tham gia chương trình giao thừa, dù đêm đó họ có rất nhiều show diễn khác. Có năm mời NSND Thanh Hoa đến studio để bà kể về những mùa xuân theo chân đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Chỉ có điều, khi bà bước vào studio, thì chỉ còn 30 giây là phải lên sóng. Trên sóng chắc chắn thính giả không thể nào biết được, 5 phút trước đó cả ekip đã phải cuống cuồng điện thoại, rồi chuẩn bị phương án dự phòng... và lầm rầm cầu mong nghệ sĩ đừng bị tắc đường...
Nhớ có năm được nối cầu trực tiếp với Trường Sa. (Thời điểm đó sóng điện thoại di động chưa phủ tới Trường Sa. Và việc gọi điện thoại cố định ở Trường Sa cũng rất khó... nên người lính Trường Sa nào được nói chuyện với đất liền phải có thành tích xuất sắc lắm...). Đầu cầu Trường Sa đêm giao thừa năm đó là một người lính trẻ, được trò chuyện với người vợ trẻ ở quê vừa sinh con đầu lòng... Nhưng, họ chỉ nói được dăm ba câu, rồi cả hai cùng im lặng...
Tiếng người vợ khóc nấc nghẹn ngào... Điện thoại lại trục trặc, rồi lại được nối lại... Câu chuyện của họ cứ bị ngắt đoạn, đứt gãy... nhưng trên sóng ai cũng nghe rất rõ tiếng lòng của đôi vợ chồng trẻ phải xa nhau ngàn trùng khi mùa xuân đang phơi phới ngoài kia... và ít ai biết, đôi mắt của người dẫn chương trình cũng ngân ngấn, niềm xúc động cũng dâng trào trong giọng nói.
Năm, bốn, ba, hai, một... Tiếng pháo hoa dậy đất, rộn ràng trên làn sóng. Lời chúc Tết của Chủ tịch nước vang lên. Vậy là năm mới đã đến! Cả ekip chỉ kịp trao cho nhau những cái bắt tay rất chặt, nói với nhau một câu “Chúc mừng năm mới”... rồi lại tiếp tục chương trình với những điểm cầu được kết nối. Còn nhớ giao thừa khi có chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt phảo nổ, cả ekip chụm đầu bàn nhau xem thay tiếng pháo giao thừa trên Đài bằng tiếng động gì để báo hiệu phút giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đến.
Nhiều phương án được đưa ra nào là tiếng trống; tiếng chuông, tiếng chiêng cồng... nhưng cuối cùng, tất cả đồng ý lấy tiếng chuông đồng hồ ở bờ hồ binh bong 12 tiếng để làm âm thanh báo giao thừa. Vậy là sau bao năm tiếng pháo báo hiệu năm mới đến đã được thay thế bằng tiếng chuông đồng hồ trên tháp chuông bưu điện bờ Hồ.
Cũng rộn ràng, thiêng liêng và lắng sâu biết mấy. Sau này, chúng tôi có thu thêm tiếng các em học sinh đồng thanh hô to “Chúc mừng năm mới!” để âm thanh báo hiệu năm mới đến thêm sinh động, vui tươi...
Đêm làm Tết kết thúc khi đồng hồ chuyển sang phút 30 của ngày 1 Tết. Ly rượu hồng, chút bánh trái... mừng nhau rồi ai nấy lại hối hả ra về. (Tất nhiên, trong phòng biên tập vẫn còn ít nhất hai người, một lãnh đạo, một biên tập viên lại lao vào biên tập chương trình thời sự 6h sáng ngày 1 Tết).
Năm nào cũng làm Tết, có nghĩa là năm nào cũng được xông nhà. Vợ con vẫn ngồi chờ, có khi là đến 1h sáng để bố về chúc Tết, mừng tuổi. Khi ấy cả khu tập thể hầu như đèn đã tắt. Chỉ có căn phòng người nhà Đài, lúc ấy mùa xuân mới thực sự ùa về...
Giờ đây, khi làm báo Tết Tiếng nói Việt Nam, dù mỗi loại hình làm Tết mỗi khác, nhưng những kỷ niệm ngày làm chương trình phát thanh Tết ở Ban Thời sự - VOV1 vẫn ào ạt quay về, và chính điều ấy như tiếp thêm cho tôi cảm hứng để cùng anh em có số báo Tết thêm tươi mới và đậm sắc xuân./.