Nhiều tháng qua, tại thành phố Đà Nẵng, tình trạng nhiễm mặn kéo dài, mức độ nhiễm mặn vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong khi nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, gây khó khăn trong cuộc sống người dân thì Nhà máy nước Hòa Liên, công suất 120.000 m3/ngày đêm vẫn “treo” hết năm này qua năm khác. Trạm bơm An Trạch phải liên tục chạy vượt công suất nhưng không đủ nước cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ.
Như VOV đã phản ánh, chưa có mùa mưa năm nào, các tỉnh miền Trung lại “khô nước” như năm nay. Hiện đang là mùa mưa nhưng tình trạng nhiễm mặn nước sinh hoạt ở Đà Nẵng lại diễn ra căng thẳng. Các khu vực cuối nguồn ở các phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà; Hòa Hải, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn; Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, quận Liên chiểu, ở một số thời điểm việc cấp nước không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước. Tại một số khu dân cư, khu nhà trọ công nhân, sinh viên, nhiều người phải thức đêm trữ nước sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Quyên, thuê trọ tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu than thở: “Nước bị chập chờn nên không đủ nước để chúng em sinh hoạt hàng ngày như tắm, giặt, nấu ăn. Chúng em phải trữ nước trong các bình nhưng lượng nước vẫn không đủ để sử dụng”.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 2 nhà máy nước là Cầu Đỏ và Sân Bay với tổng công suất 210 ngàn mét khối/ngày đêm. Nhiều năm qua, 2 nhà máy này đã chạy vượt tải từ 20-25% nhưng vẫn không đủ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tình trạng nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn rất nặng khiến lưu lượng và áp lực cấp nước sinh hoạt trong mạng lưới thấp hơn so với bình thường.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có giải pháp căn cơ, đó là khẩn trương triển khai các dự án lớn. Đặc biệt là Dự án nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng thêm 120.000m3/ ngày đêm; đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung, phấn đấu hoàn thành vào tháng 3 năm 2019. Đối với mạng lưới cấp nước Đà Nẵng thì hiện nay Sở đã thẩm định hồ sơ thiết kế và dự kiến khởi công vào tháng 3 năm sau.
Theo ông Vũ Quang Hùng, nhà máy nước Hòa Liên cần đầu tư cấp bách để giải bài toán cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng: “Dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên là dự án rất quan trọng. Vì khi Nhà máy nước Hòa Liên hoàn thành sẽ cấp nước trong thời gian lâu dài và không bị phụ thuộc vào các nguồn nước khác”.
Điều đáng lo ngại là dự án nhà máy nước Hòa Liên tiếp tục treo từ nhiều năm nay. Ngày 11/9 vừa qua, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng có báo cáo kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo các cấp quyết định chủ trương triển khai Nhà máy nước 120.000m3/ngày đêm càng sớm càng tốt để đảm bảo nguồn nước sạch cho thành phố.
Trước đây, lãnh đạo TP Đà Nẵng giao Công ty Cấp nước Đà Nẵng làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Sau nhiều năm chuẩn bị dự án, tính đến tháng 10/2018, Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã hoàn thành công tác đánh giá tác động môi trường dự án và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 08/6/2018.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 Nhà máy nước Hòa Liên. Công ty Cấp nước Đà Nẵng cũng đã hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; hoàn thành thẩm tra các công trình phụ trợ thuộc dự án, bao gồm đập dâng, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô; đang triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết các công trình phụ trợ.
“Về nguồn vốn thì Dawaco cũng đã có trao đổi với các tổ chức tín dụng và họ cũng đã sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư cơ bản và chúng tôi đã cân đối các công việc trực tiếp tại hiện trường nên thời gian thi công khoảng 17 tháng. Công tác chuẩn bị thực ra đã 2-3 năm rồi và cả thời gian trước nữa cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị để nghiên cứu triển khai. Nếu như được giao thì chúng tôi tiếp tục hoàn tất các thủ tục cần thiết còn lại để 6,7 tháng thì có thể triển khai được công trình”- Ông Bùi Thọ Ninh, Giám đốc Ban Kế hoạch, Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết thêm.
Dự án đang khởi động nhưng phải dừng lại bởi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thay đổi hình thức đầu tư. Ngày 24/4/2018, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng có Thông báo 367 thông báo ý kiến của Thường trực Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo về việc thay đổi chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Theo đó, thay vì giao cho Công ty Cấp nước Đà Nẵng làm chủ đầu tư như trước đây thì UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án này theo hình thức BOT. Đồng thời, giao Sở Xây dựng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với sở ngành, các đơn vị liên quan căn cứ chủ trương này, xây dựng phương án đầu tư dự án, báo cáo đề xuất UBND TP Đà Nẵng xem xét, trình Thường trực Thành ủy trước ngày 10/5/2018.
Trong khi tình hình thiếu nước sinh hoạt diễn ra căng thẳng thì Đà Nẵng lại thay đổi chủ trương đầu tư nhà máy nước Hòa Liên. |
Đến nay, qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn chưa quyết định chính thức về hình thức đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Trong khi đó, theo Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, nếu tiếp tục triển khai theo hướng sử dụng vốn tự có và vốn vay của Công ty thì dự kiến dự án bắt đầu triển khai thi công từ tháng 5/2019 và bàn giao vận hành trong tháng 10/2020. Tổng thời gian thực hiện là 23 tháng, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Còn nếu triển khai hình thức BOT (theo phương án nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC - Tổng công ty Cổ phần Vinaconex - Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam đề xuất) thì thời gian tối thiểu cần thiết để triển khai dự án là hơn 30 tháng. Đó là đã rút ngắn các thủ tục hành chính đến mức tối đa. Như vậy, đến Quý II - 2022 mới có thể hoàn thành dự án. Phương án này chưa xác định sơ bộ tổng mức đầu tư. Thành phố Đà Nẵng cũng chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT, do đó sẽ có nhiều rủi ro trong quá trình quản lý, vận hành sau này
Được biết trước đây, Nhà máy nước Hòa Liên cũng có phương án sử dụng vốn ODA. Theo phương án này, đến năm 2022 nhà máy mới có thể hoạt động, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước sạch cho người dân Đà Nẵng. Theo tính toán sơ bộ, nếu sử dụng nguồn vốn ODA thì tổng mức đầu tư lên khoảng 5.200 - 5.400 tỉ đồng, giá nước thương phẩm cũng lên tới 5.600 đồng/m3. Mức giá này khá cao so với hình thức đầu tư khác. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã cho phép Đà Nẵng không sử dụng nguồn vốn ODA để xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên.
Cho đến lúc này, trong khi lãnh đạo thành phố còn loay hoay, cân nhắc với hình thức đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên thì tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt đang xộc thẳng vào từng nhà, gây đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân thành phố này./.Hoàn thành xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Nạn cho vay nặng lãi đang gia tăng tại Đà Nẵng
Đà Nẵng hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm
Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Tiền có sẵn sao cứ để dân phải chờ?