Chiều 6/11, tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo quốc tế “kết quả hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ thực hiện Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”. 

vov_anh_1_epkr.jpg
Hoàn thành xử lý Dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Ngày 1/4/2011, Bộ Quốc phòng phê duyệt Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Dự án do Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân làm chủ đầu tư, phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện.

Kinh phí thực hiện Dự án từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ khoảng 110 triệu USD và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án đã xử lý triệt để được khoảng 90.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m3 bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý và xử lý hơn 32 ha đất phục vụ mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Dự án đã đạt mục tiêu đề ra, xử lý thành công đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm cho con người và môi trường xung quanh.

Dự án còn mang lại hiệu quả nhiều mặt, trước hết là sức khỏe cộng đồng, môi trường, kinh tế - xã hội và để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giám sát, vận hành và ứng dụng công nghệ trong dự án.

Kết quả của dự án thể hiện những cam kết của Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và sự mong mỏi rất nhiều năm của người dân Việt Nam để có một môi trường sống an toàn, không còn ô nhiễm chất độc dioxin sau chiến tranh.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Đại tá Phạm Quang Vũ, đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Thứ nhất, đây là dự án xử lý môi trường phức tạp, công nghệ lần đầu được áp dụng với quy mô lớn, các tính toán ban đầu dựa trên cơ sở thiết kế 30% dẫn đến quá trình triển khai phải điều chỉnh cho phù hợp. Trong quá trình vận hành mố, giải hấp nhiệt lần đầu nên đã không tính toán hết được những rủi ro nên không có thời gian để dừng vận hành khắc phục, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý và kéo theo chi phí phát sinh”./.