Đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong những ngày thu tháng 9, các thế hệ phóng viên của Đài TNVN rất xúc động khi thấy những chiếc đài được đặt trang trọng ở nơi ngủ, phòng ăn và phòng làm việc của Bác.

can_ve_2_aikx.jpg
Ông Trần Viết Hoàn - người cận vệ của Bác.

Tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt, nhưng khi kể cho chúng tôi về chuyện Bác Hồ nghe đài tại nơi ở và làm việc của Người, ông Trần Viết Hoàn rất phấn khởi, nhiệt tình. Ông kể, Bác Hồ có 3 chiếc đài, chiếc thứ nhất đặt ở phòng ngủ do Việt kiều ở Thái Lan gửi về biếu Bác. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng và buổi tối từ 19-21h Bác mở để nghe tin tức. Một chiếc đài khác do lưu học sinh ở Hungary tự lắp ráp gửi về biếu Bác, được đặt trên chiếc bàn nhỏ ở phòng ăn tại nhà 54. 

Mỗi khi ăn cơm, Bác lại mở chiếc đài này. Còn một chiếc đài là chiến lợi phẩm do các chiến sỹ miền Nam thu được ở trận Phước Thành do đồng chí Nguyễn Văn Hiếu biếu Bác khi ra thăm miền Bắc. Chiếc đài này được đặt tại nhà 67, hàng ngày nhìn thấy đài là Bác như thấy được đồng bào, chiến sỹ ở miền Nam. Và đây cũng là chiếc đài Bác đã nghe trong những ngày lâm bệnh.

Ông Trần Viết Hoàn xúc động kể: “Đúng như thơ Tố Hữu đã viết: “Bác nghe từng bước trên tiền tuyến; Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa”. Theo tôi suy nghĩ, những chiếc đài ở nhà Bác đúng người là trợ thủ đắc lực của Người,  vì hàng ngày qua đài Bác biết rõ tình hình trong nước và quốc tế để có những quyết sách đúng cho bước đi của cách mạng nước nhà”.

Ông Hoàn còn nhớ rất rõ, tối nào Bác cũng ngồi trên giường ở phòng ngủ tại nhà sàn để đọc sách, báo, nhưng chiếc đài vẫn luôn được mở. Có một lần, đồng chí Tố Hữu đến thăm Bác, thấy Bác đang xem tài liệu mà vẫn để đài nói, thì đồng chí có thưa với Bác là “cháu tắt đài để Bác đọc tài liệu”. Nhưng Bác bảo rằng, “cũng như chú đi làm về vẫn có người cười nói vui vẻ, cứ để đài cho nhà thêm vui”. 

Khi những người giúp việc ra về lúc 23h đêm, Bác vẫn dặn là không tắt đài. Ông và những cận vệ của Bác lúc bấy giờ đều hiểu rằng, Bác mở đài không chỉ để nghe tin tức, mà còn để cho nhà đỡ trống trải, nhất là vào buổi tối và mỗi bữa ăn: “Bữa ăn đối với mỗi gia đình là lúc đoàn viên, ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần. Nhưng với Bác, bữa ăn nào trong mâm cơm ngoài bát đĩa đựng thức ăn, thì bao giờ cũng chỉ có 1 cái bát và 1 đôi đũa. Bác chịu cảnh buồn 1 mình như thế để cho muôn triệu người đông vui trong bữa ăn hàng ngày. Bữa ăn nào Bác cũng mở Đài để coi như có người tâm sự với mình. Đài như người bạn gần gũi thân thiết của Bác”.

Theo ông Trần Viết Hoàn, Bác Hồ còn coi đài như một người bạn để trò chuyện, sẻ chia. Sau khi nghe phát thanh viên của Đài nói “bản tin đến đây là hết, thân ái chào các bạn”, thì Bác trả lời vui luôn là “thân ái chào cô” hoặc “thân ái chào chú”. 

Có lần Bác đang nghe đài một mình ở nhà sàn, khi nghe đến tin nói về chuyện anh hùng Út Tịch ở miền Nam, phát thanh viên đọc đến đoạn chị Út Tịch “còn cái lai quần cũng đánh”, thì Bác nói rất to “hoan hô Út Tịch, hoan hô Út Tịch anh hùng, hoan hô các chiến sỹ miền Nam”. 

Ông Hoàn cũng được chứng kiến những lần các nhà báo của Đài TNVN đến nhà Bác ghi lời chúc Tết hay lời kêu gọi để phát cho toàn thể đồng bào, đồng chí lắng nghe. Bác đọc để ghi âm mà như Bác đang nói cho đồng bào nghe với tất cả tâm hồn của mình, và dường như Bác cũng đang nói với chính mình.

Chiếc đài được đặt tại nhà 67, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Sau khi Bác đi xa, ông Trần Viết Hoàn lại được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục bảo vệ và trông nom di sản của Người. 38 năm được gần gũi, gắn bó với Bác và nơi ở của Người (suốt từ năm 1966 đến khi về hưu năm 2004), ông Hoàn biết rằng, 3 chiếc đài là những kỷ vật thiêng liêng của Bác. Vì vậy, 3 chiếc đài ấy vẫn được đặt nguyên vị trí cũ cho đến tận ngày nay. Và một điều đặc biệt là 3 chiếc đài này chỉ có thể bắt tín hiệu duy nhất của Đài TNVN, bởi Bác đã yêu cầu như vậy.

“Sau ngày Bác mất, tất cả những tài liệu, hiện vật, đặc biệt với 3 chiếc Đài của Bác, chúng tôi vẫn đặt đúng vị trí như khi Bác đang sống. Bây giờ cứ mỗi khi vào thăm nhà Bác, nhìn thấy những chiếc đài đó, như thấy lại tình cảm lớn lao của Bác đối với Đài TNVN”.

Là những thế hệ đi sau được may mắn làm việc tại Đài TNVN, chúng tôi xúc động vô cùng trước những câu chuyện mà ông Trần Viết Hoàn kể lại. Chừng ấy cũng đủ để hiểu rằng, Bác Hồ đã dành tình cảm đặc biệt như thế nào đối với Đài TNVN./.