Những ngày cuối tháng 8 năm 1945, bộ phận chuẩn bị phát sóng chương trình đầu tiên của đài phát thanh Quốc gia vô cùng bận rộn và khẩn trương.

Đến năm 1995, sau nửa thế kỷ nhớ lại ngày đầu trứng nước, ông Trần Lâm bồi hồi không quên những gương mặt lấm tấm mồ hôi của các ông Nguyễn Cung, Chu Văn Tích, Lê Quang Lân. Ai cũng thầm nghĩ là cố hoàn tất các khâu kỹ thuật phát sóng, bá âm, biên tập kịp truyền lễ Quốc khánh trọng đại của dân tộc đi khắp năm châu bốn biển. Ông Trần Lâm bảo nghĩ vậy mà không dám bày tỏ vì sợ “nói trước bước không qua”. Ông Quang Lân thì vô cùng hối tiếc vì phòng thu thanh không kịp hoàn thành để lỡ dịp may lịch sử hiếm có. Chật vật lắm ông Nguyễn Dực mới mượn được hai máy phát Colins từ khu điện đài Bạch Mai về đặt ở Đinh Lễ dự định truyền tín hiệu từ Ba Đình. Nhưng tối 27 tháng 8 lại nhận được lệnh trên là đưa máy về Sở Vô tuyến điện chuần bị cho ngày Đại lễ mừng Độc lập. Ông Nguyễn Dực tập trung lo khâu phóng thanh ở Ba Đình.

tuyen_ngon_dwjd.jpg
Lần đầu tiên tiếng nói Bác Hồ trên làn sóng phát thanh là Tuyên ngôn Độc lập  của nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Cung nhớ lại là lúc ấy ai cũng muốn truyền được tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập lên không trung. Nhiều phương án kỹ thuật được đưa ra bàn bạc. Cuối cùng ông Nguyễn Cung dẫn một tổ kỹ thuật đưa máy phát sóng 300w, cải tiến từ máy phát tin vô tuyến điện truyền thử cuộc mít tinh từ Ba Đình bằng đường giây trần.

Đầu chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập được truyền đi giữa trời Hà Nội -  trời thu Cách mạng.

Ấy là lần đầu tiên tiếng Bác Hồ truyền đi trên làn sóng đài phát thanh.

Bình hoa và con chuột

Đài Tiếng nói Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc khi nhà nước Dân chủ Cộng hòa mới 5 ngày tuổi.

Những tháng ngày trứng nước vận mệnh Dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đang duyệt bản tin thì Tổng biên tập Trần Lâm được lệnh lên Nha Thông tin họp gấp. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, nhà sử học Trần Huy Liệu phân tích: Cùng một lúc chúng ta phải chống trả cả thù trong lẫn giặc ngoài. Quân Đồng minh sắp vào nước ta giải giáp quân Nhật, Pháp lăm le, tìm mọi cách tìm lại chỗ đứng đã mất ở Đông Dương, bọn “Tưởng” tiếp quản ở Miền Bắc, quân Anh tiếp quản ở phía Nam. Anh, Mỹ nhân nhượng để Pháp trở lại Đông Dương.

Hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta phải bình tĩnh, tự tin và hết sức khôn khéo. Phức tạp hơn nữa là các đảng phái, thế lực phản động trong nước đang tìm mọi cách ngóc đầu dậy. Từ lâu chính quyền Tưởng Giới Thạch che chở cho bọn “Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), “Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội” (Việt Cách) để hòng tiêu diệt Việt Minh và chính quyền Cách mạng còn non trẻ.

Đã thế bọn tờ-rốt-kít dưới chiêu bài cách mạng triệt để, tung ra những khẩu hiệu quá khích nhằm phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của mặt trận Việt Minh. Đảng ta quyết định chỉa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc là bọn thực dân phản động Pháp xâm lược. Công tác tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh lúc này rất cẩn trọng.

Nghe và hiểu như vậy, nhưng trên đường về nhà, qua các phố Hà Nội, nghe dân tình phản ánh, ông Trần Lâm nhớ lại là lúc ấy không thể giữ được bình tĩnh khi bọn Việt Quốc, Việt Cách quá phách lối. Mỗi lần giao ban Bộ trưởng Trần Huy Liệu luôn luôn phẫn nộ trước hành động ngang ngược của chúng và muốn huy động lực lượng quần chúng trừng trị đích đáng bọn Việt Quốc Việt Cách. Trước tình thế ngang dọc phức tạp ấy, Tổng biên tập Trần Lâm cùng các ông Trần Kim Xuyến, Nguyễn Văn Nhất, và Hoàng Tuấn xin gặp Bác Hồ để được chỉ thị cách tuyên truyền trên Đài.

Đến Phủ chủ tịch, mọi người vừa yên vị, Bác Hồ hỏi ngay:

- Có việc gì, các chú cứ thẳng thắn phát biểu.

Ông Trần Lâm nghĩ ngay đến việc Đài Tiếng nói Việt Nam vừa có bài bình luận vạch trần luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Lư Hán và quan thầy. Lập tức Lư Hán phản kháng với Hồ Chủ tịch, đòi đóng cửa Đài phát thanh. Với uy tín và tài ngoại giao khéo léo của Bác Hồ, đài phát thanh không bị đóng cửa, nhưng hàng ngày Đài phải đưa văn bản phát thanh bằng tiếng Việt lên Tổng hành dinh của chúng ở Phủ toàn quyền để kiểm duyệt trước khi phát sóng. Mọi người trong đài rất phẫn nộ. Bác Hồ chỉ thị nội bộ là phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn, thậm chí phải biết nhẫn nhịn, không được rơi vào bẫy khiêu khích của chúng.

Vậy là hàng ngày, đích thân ông Trần Kim Xuyến, Chánh văn phòng Bộ Tuyên truyền và Giám đốc đài phát thanh Quốc gia Trần Lâm phải dùng chiếc xe Ford V8 đã cũ đưa bài vở lên Tổng hành dinh để chúng duyệt. Hai ông bàn cách chấm dứt công việc chất chồng uất ức này, liền quan sát kỹ, nắm chắc những tên trực tiếp kiểm duyệt. Sau đó, ông Trần Lâm trong lúc đưa bài lên kiểm duyệt đã đưa tận tay hai người trực tiếp duyệt bài vở thiếp mời dự cuộc chiêu đãi tại hiệu cao lâu sang trọng Mỹ Kinh, nổi tiếng ở Hàng Buồm. Bữa tiệc thịnh soạn, mấy tên kiểm duyệt chén chú chén anh, thưởng thức cao lương mỹ vị nên tỏ ra rất hài lòng. Hôm sau đài không đưa bài lên duyệt rồi nghe ngóng. Hôm sau nữa tình hình êm ru, và cuối cùng lệnh kiểm duyệt tự nhiên được bãi bỏ.

Ông Trần Kim Xuyến báo cáo với Bác tình hình cụ thể về hành động ngang ngược của bọn phản động. Ông Trần Lâm nêu những vấn đề phức tạp trong tuyên truyền và xin Bác chỉ dạy. Bác không nói gì liền cầm chiếc gạt tàn thuốc lá đặt trên bàn nước đưa cho ông Trần Kim Xuyến ngồi cạnh và nói:

Giả thử có con chuột đang bò trên miệng bình hoa kia, các chú có cầm chiếc gạt tàn này ném đuổi chúng đi không?

Bác chỉ chiếc bình hoa tuyệt đẹp của Thống sứ cũ đặt trên lò sưởi. Suy nghĩ giây lát, mọi người đồng thanh:

Thưa không ạ.

Tại sao? Bác hỏi. Ông Trần Lâm liền thưa:

Dạ, ném chuột thì vỡ bình ạ.

Bác nheo nheo mắt:

Đúng như vậy. Cái bình quý là nền Độc lập của Dân tộc. Con chuột là bè lũ Việt Quốc, Việt Cách. Ta phải dùng cách gì để đuổi được chuột mà không làm vỡ cái bình quý.

Bác lại hỏi:

Có chú nào biết chuyện Việt Vương Câu Tiễn không?

Ông Trần Kim Xuyến nhìn ông Trần Lâm. Ông Trần Lâm liền thưa:

Dạ có ạ.

Vậy chú kể cho Bác và mọi người đây cùng nghe.

Ông Trần Lâm kể đoạn Việt Vương Câu Tiễn bị Ngô Phù Sai bắt làm nô lệ, nhưng vẫn bền gan nuôi chí phục thù, chịu làm trâu ngựa cho Phù Sai. Nhẫn nhục đến mức khi Phù Sai ốm, Câu Tiễn tình nguyện nếm phân để ngự y chẩn đoán bệnh. Nhờ nhẫn nhục và khôn khéo mà Câu Tiễn được Phù Sai tin cậy cho về nước làm Vương hầu. Cuối cùng Câu Tiễn đã đánh bại Ngô Phú Sai. Nghe xong, Bác cười, khen kể đúng truyện và nói thêm:

Việt Vương Câu Tiễn phải dùng nhục kế như vậy vì yêu nước, nuôi chí phục thù để cuối cùng diệt được Ngô, không chỉ giữ được nước mà còn mở mang bờ cõi. Trong tình thế nguy nan, Việt Vương Câu Tiễn đã nhuần chữ Nhẫn, đã khôn khéo ứng phó từ lời nói đền hành động. Bây giờ các chú đã thông chưa?

Dạ, thưa Bác chúng cháu thông rồi ạ.

Trước khi tiễn đoàn cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam ra về, Bác nhẹ nhàng đặt tay lên vai Tổng biên tập Trần Lâm căn dặn: tuyên truyền trên đài lúc này cốt yếu phải giữ vững nguyên tắc, nhằm mục tiêu bất di bất dịch là bảo vệ được nền độc lập, thống nhất của tổ quốc, đồng thời phải bình tĩnh, phải biết vận dụng sách lược thật mềm dẻo, thậm chí phải biết tạm thời nhẫn nhịn, để tránh rơi vào bẫy khiêu khích của kẻ địch.

Con đom đóm và bó đuốc

Những ngày cuối năm 1945, đài TNVN nhận được tin quân Pháp tiến công nhiều địa điểm ở Nam Bộ, có nơi bom đạn của chúng giết hại một lúc 300 đồng bào ta.

Vì quá căm phẫn nên chưa kịp xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Đài đã viết bài bình luận: “Nợ máu phải trả bằng máu” kêu gọi nhân dân tẩy chay, không làm việc với người Pháp, không bán hàng cho người Pháp và cả người nước ngoài.

Ông Hoàng Tùng, lúc đó là Bí thư thành ủy Hà Nội nghe được bình luận đanh thép của Đài TNVN cho là chủ trương của Trung ương liền chỉ đạo thực hiện tẩy chay. Tất cả các chợ lớn ở Hà Nội như Đồng Xuân-Bắc Qua, Chợ Hôm, Hàng Da đều không bán hàng cho người Pháp, người Anh, quân Tưởng Giới Thạch. Vì vậy mà các phái bộ quân Pháp, Anh, Tưởng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc, có nơi rơi vào cảnh thiếu đói. Bọn chúng lấy đó làm cớ rêu rao là Chính phủ Hồ Chí Minh không bảo đảm được trật tự, an ninh, đòi lật đổ Chính phủ Việt Minh. Chỉ huy Tưởng Giới Thạch còn tìm mọi cách mời Hồ Chủ tịch đến đại bản doanh nói là để đàm phán, nhưng thực chất là giữ lại uống rượu và nêu những yêu sách đòi giải tán chính phủ. Bác phải điện về ra lệnh chấm dứt ngay những hành động tẩy chay gây khó khăn cho phái bộ và quân đội Đồng minh. Bác Hồ phải đích thân dàn xếp với quân Tưởng và lệnh cho Thành ủy Hà Nội phải đưa ngay mọi hoạt động của thành phố trở lại bình thường, không được đối xử khác biệt với ngoại kiều.

Qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam Bác kêu gọi đồng bào bình tĩnh, trong khó khăn cũng phải tỏ ra mình làm chủ đất nước, quản lý tốt đất nước, cư xử đúng đắn, lịch thiệp với ngoại kiều. Cuối cùng Bác tha thiết và kiên quyết: “Đồng bào thương tôi thì hãy chấm dứt những việc làm không phải ấy đi.”

Nghe thư của Bác trên Đài TNVN, nhân dân Hà Nội thi hành triệt để, nhanh chóng đưa thành phố trở lại sinh hoạt bình thường.

Sau đó, Bác gọi ngay những cán bộ lãnh đạo của Đài TNVN tới Phủ Chủ tịch phê bình nghiêm khắc, uốn nắn những hiểu biết còn lệch lạc và căn dặn: làm gì để giữ được độc lập thì phải làm, còn làm gì, nói gì mà ảnh hưởng đến độc lập thì không được làm. Bác còn dặn cán bộ công an kiểm tra xem trong đài có phần tử tờ rốt kít không mà ăn nói như vậy.

Sau này, ông Trần Lâm kể lại: Ông Hoàng Tùng trách vì nghe đài, làm theo đài mà mất chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Về việc Đài đưa tin bọn tay sai lập trụ sở tuyển quân, Bác bảo: “các chú biết một mà không biết hai. Chúng dùng một số tay chân cò mồi, lĩnh tiền, lĩnh quần áo ra cổng trước rồi vòng lại cổng sau trả quần áo, lấy tiền tiêu xài. Chúng cũng không phân phát vũ khí ở đấy. Chúng làm trò hề thì đưa tin làm gì?”

Cuối cùng Bác dặn cán bộ Đài TNVN: “Làm tuyên truyền phải ăn nói thận trọng, nhất là nói trên đài quốc gia cho cán bộ, nhân dân nghe. Biết đích xác rồi hẵng nói. Thấy con đom đóm thì nói con đom đóm, chứ đừng la toáng lên rằng là bó đuốc”.

Ai viết bình luận?

Được gặp và trò chuyện với Bác Hồ, ông Trần Lâm cùng cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam cảm nhận được sự nghiêm khắc bên cạnh tình cảm gần gủi, đầm ấm và tin cậy của Người.

Ngày ấy, tình thế cách mạng mỗi ngày một khác, được thua, vui buồn đan xen nhau. Nhiều lúc cán bộ, quần chúng hoang mang, không biết đâu là thật, đâu là giả, đòi hỏi trên làn sóng phát thanh phải có nhiều bài bình luận giúp dư luận phân rõ trắng đen, kiên trì đấu tranh để bảo vệ nhà nước công nông đầu tiên còn non trẻ.

Cuối tháng 2 năm 1946, Hiệp định Trùng Khánh được ký kết giữa Pháp và Tưởng Giới Thạch. Chúng nhân nhượng nhau để tập trung chống lại Việt Nam. Đảng ta chủ trương một mặt nói chuyện với Pháp, một mặt khẩn trương chuẩn bị kháng chiến. Hay tin Hồ Chủ tịch có thể gặp Sainteny, đại diện của Pháp, bọn Việt quốc, Việt Cách cho xe chạy dọc đường phố Hà Nội rêu rao là “Hồ Chí Minh đầu hàng, bán nước cho Pháp.” Không thể nhịn nhục mãi, ông Trần Lâm bàn với ông Nguyễn Văn Nhất và viết bài bình luận: “Tại sao Pháp phải điều đình với Việt Nam?” Bài bình luận phân tích: sở dĩ Pháp phải điều đình với Việt Nam vì ở chiến trường Miền Nam chúng bị thua đau, binh sỹ chết nhiều, các cơ sở kinh tế như đồn điền cao su bị phá hoại hoàn toàn. Trong khi đó tại nước Pháp, phong trào nhân dân phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng lên mạnh. Bài bình luận được phát vào 18h, chương trình Thời sự chính trong ngày 3 tháng 3 năm 1946. Ông Trần Lâm đinh ninh là bài viết gọn gàng, lý lẽ chặt chẽ, thái độ mềm dẻo, đúng là lạt mềm buộc chặt, không rơi vào bẫy khiêu khích của địch. Vì trong suốt cả bài không hề đả động đến bọn Việt quốc, Việt cách. Sáng hôm sau, 4 tháng 3 năm 1946, ông Trần Lâm vừa từ trên gác ba xuống gác hai làm việc thì nhận được điện thoại của Bác Hồ hỏi:

Ai viết bài bình luận phát vào 6 giờ chiều ngày hôm qua?

Ông Trần Lâm trả lời:

Thưa Bác, cháu đấy ạ.

Thế thì cháu sang ngay, Bác nói chuyện.

Ông Trần Lâm không kịp thông báo cho ông Nhất, tức tốc sang Phủ Chủ tịch. Bác đứng đợi sẵn ở tầng hai Phủ Chủ tịch. Ông Trần Lâm chưa kịp thưa, Bác nói ngay, giọng ấm, nhỏ, nhưng chắc:

Tối hôm qua, sau khi nghe bình luận phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Sainteny đã gọi giây nói cho Bác phản đối kịch liệt và tuyên bố cắt đứt cuộc đàm phán đã sắp đi đến thỏa thuận.

Lý do là một mặt đàm phán, nhưng mặt khác Hồ Chí Minh lại dùng đài phát thanh để nhục mạ nước Pháp, nói Pháp vì thua đau mà phải đàm phán với Việt Nam.

Bác phê bình ông Trần Lâm là còn trẻ người non dạ mà dám liều lĩnh viết bài ngoại giao có tầm quan trọng như vậy.

Sau này, ông Trần Lâm kể lại: “Lúc ấy tôi như hóa đá. Mới mấy hôm trước Bác dặn dò kỹ càng là viết bài tuyên truyền phải cân nhắc, thận trọng, ấy thế mà hôm nay đã vi phạm. Bác khẽ đặt tay lên đầu tôi: “chưa ráo máu đầu đã dám bàn chuyện quốc gia đại sự, suýt nữa thì làm hỏng cuộc đàm phán.” Tôi xấu hổ quá, ngước lên may mà gặp ánh mắt hiền lành, cảm thông của Bác.

Mấy ngày hôm sau, tôi như ngồi trên chảo lửa. Tôi lo lắng nghĩ chỉ vì một bài bình luận của mình mà làm hỏng việc lớn của Bác, của Chính phủ thì thật là tội lỗi. Mãi đến khi nhận được bản tin để phát lên đài là ngày 6 tháng 3 năm 1946, tại Hà Nội, Hiệp định sơ bộ đã được ký kết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại dịên Chính phủ Pháp Sainteny tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nghĩ lại tôi càng ngấm ý nghĩa sâu sắc của bản Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 như Bác giải thích: Trong lúc cách mạng mới thành công, lực lượng của ta còn non yếu, ký hiệp định này là dùng kẻ thù ta chọn ở lại mà đánh đuổi kẻ thù kia đi, tránh cho đất nước tình thế nguy hiểm, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Đây cũng là lúc chúng ta tranh thủ từng khắc, từng ngày chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài với quân Pháp xâm lược.

Kể cũng phải. Khi tôi nhận phụ trách đài phát thanh quốc gia mới 24 tuổi, khi lần đầu phạm khuyết điểm mới “lên” tuổi 25 chứ mấy.”

Ông cười khà khà và coi đấy là kỷ niệm sâu sắc nhớ đời không bao giờ quên./.