Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng đúng ngày này 24 năm sau, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa. Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lenin” và để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân niềm tiếc thương vô hạn. 

bac_ho_1_mlyx.jpg
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc ngày 9/2/1967.

"Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa - Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa". Hai câu thơ trên là tiếng lòng của nhà thơ Tố Hữu và cũng là của toàn thể dân tộc Việt Nam khi Bác Hồ đi xa. 46 năm về trước, vào hồi 9h47 sáng 2/9/1969 tại Thủ đô Hà Nội, Bác ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành ngày 9/9/1969 tại Hà Nội, đã biến thành cuộc biểu dương vĩ đại về lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam đối với vị Lãnh tụ của mình, biểu dương lòng trung thành sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với những lý tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản. Những ngày đầu tháng 9 năm ấy, dù trời mưa trút nước nhưng hàng vạn người Việt Nam vẫn không quản ngại đến dự lễ tang của Người. Niềm xúc động dâng trào trong những người có mặt tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng ở quận Tây Hồ, Hà Nội kể, tại Quảng trường Ba Đình, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đọc điếu văn đầy xúc động trong lễ truy điệu, từ cụ già đến các em nhỏ đều òa khóc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969, tuy nhiên, do hoàn cảnh thời chiến, để tránh trùng với ngày Quốc khánh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban đầu được công bố là ngày 3/9, đến năm 1989 mới công bố lại là ngày 2/9. 

Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 9/9/1969 (Ảnh tư liệu)

Ông Lưu Trần Luân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật cho biết: Mùa thu năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, quyết định công bố toàn văn di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra chỉ thị thực hiện Di chúc và công bố ngày mất chính xác của Bác. 

Ông Lưu Trần Luân là một trong số ít người có may mắn được tham gia vào quá trình xuất bản Di chúc cho biết, Di chúc của Bác là tập trung phản ánh trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm của mình với Đảng, với dân tộc, với đất nước và với nhân dân.

Quốc khánh năm nào cũng vậy, trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông đón Tết Độc lập, trong trái tim, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nền độc lập hôm nay. Sự tưởng nhớ ấy được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Có gia đình thắp hương nhớ Bác ngay tại bàn thờ nhà mình, có những người lại hòa vào dòng người vào Lăng viếng Bác để cùng nhau tưởng nhớ vị Lãnh tụ kính yêu.

Bà Nguyễn Thị Hà, ở tỉnh Ninh Bình năm nào cũng đưa cháu nội và cháu ngoại ra thăm lăng Bác. Đây cũng chính là phần thưởng để bà động viên các cháu học tập tốt trong năm sau. Bà cũng mong qua chuyến thăm này, các cháu của bà sẽ học tập tốt hơn, trở thành người công dân có ich cho xã hội, tiếp bước cha anh đi trước.  

Nhắc đến ngày Quốc khánh 2/9, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ đến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm trên Quảng trường Ba Đình vào mùa thu năm 1945, chính thức tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Và mùa Thu năm 1969, Người đã đi vào giấc ngủ ngàn thu, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. 

Dù Người đã đi xa nhưng cả dân tộc Việt Nam vẫn tiếp bước theo con đường mà Người đã chọn với mong ước sẽ xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Người hằng mong muốn./.