Tháng 8 năm 1945

Những ngày giáp hạt nghiệt ngã, hơn 2 triệu con dân Việt chết đói. Xác chết đầy đường. Ở Hà Nội, người ta gom những người chết đói lại thành đống, đêm khuya chở về vùng ngoại thành Ô Đông Mác đẩy xuống hố chôn chung. Những cái chết tức tưởi mà phần đông là người già, phụ nữ và trẻ con, những thân phận không còn sức chống đỡ với cái đói do phát xít Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay lại bầm dập bởi nạn lụt, vỡ đê gây nên nạn đại hồng thủy của thế kỷ. Những tháng ngày uất nghẹn của cả một dân tộc mà không ai trên đời này biết được, nghe được. Cả dân tộc muốn cất lên một tiếng nói mà chưa có cơ may.

Đồng chí Trần Lâm và Thanh Ngân (Đài Tiếng nói Việt Nam) 
đọc trước máy trong ở bá âm sau Nhà Hát lớn, tháng 9/1945
 (Nguồn: Sách 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam).

Thời cơ đến từ ngày “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” - 9/3/1945.

Vận nước đến khi phát xít Nhật đầu hàng không điều kiện quân đội Đồng Minh, khi Đảng của Bác Hồ và mặt trận Việt Minh đã tập hợp nhân dân thành lực lượng có thể xoay trời chuyển đất, khi trung đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân đã thắng trận liên tiếp, hết Phay Khắt đến Nà Ngần.

Và… trên đường hành quân từ núi rừng Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ đã lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Xuân Thủy gấp rút thành lập Đài phát thanh Quốc gia.

9 giờ sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, một số đội viên Tuyên truyền xung phong và các đoàn thể khác được lựa chọn tập trung ở số 4 Đinh Lễ, Hà Nội, ngay cạnh Bắc Bộ phủ để chuẩn bị lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Giữa lúc công việc đang khẩn trương, bề bộn đồng chí Xuân Thủy triệu tập gấp ông Trần Lâm, Trần Kim Xuyến và Chu Văn Tích sang Bắc bộ phủ truyền đạt lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập ngay Đài phát thanh Quốc gia để phục vụ Cách mạng.

Bác chỉ rõ: Đài phát thanh có tác dụng hết sức quan trọng về tuyên truyền cả đối nội lẫn đối ngoại.

Về đối nội, đài là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá những chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, phản  ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa trung ương với địa phương, giữa chính quyền với nhân dân.

Sóng đối ngoại có thể vượt qua biên giới quốc gia, không cần hộ chiếu để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đập lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chúng và nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Nói xong, đồng chí Xuân Thủy đi ngay. Ông Trần Lâm nhận nhiệm vụ chuẩn bị  đội ngũ và nội dung biên tập của đài phát thanh Quốc gia.

Năm 1988, ông Trần Lâm nghỉ hưu sau 43 năm liên tục làm Tổng biên tập (nay là Tổng giám đốc) đài Tiếng nói Việt Nam bồi hồi nhớ lại:

Ngày ấy ông mới 24 tuổi háo hức tham gia cách mạng, nhưng công việc đầu tiên lại quá khó. Ông được tổ chức giao nhiệm vụ nghe đài nước ngoài để lấy tin tức tuyên truyền chứ chưa hình dung ra nổi hình hài của một đài phát thanh. Lúc ấy ông chưa được gặp Bác Hồ, nhưng khi bắt tay vào từng việc ông như thấy Bác trước mặt, nhớ từng câu, từng ý căn dặn của Người qua truyền đạt của đồng chí Xuân Thủy. Ông thường nói với thế hệ sau rằng: “chúng ta tự hào vì có Bác Hồ là người sáng lập ra Đài Tiếng nói Việt Nam”./.

... (Còn tiếp)./.