Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, qua kiểm tra, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng khoảng 70 mét vuông trên tổng số 3,1 triệu mét vuông của cả con đường là một tỉ lệ rất nhỏ.

ct11_bubx.jpg
Những ổ gà, ổ trâu trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được vá xong trong chiều ngày 17/10.

Nhưng với đường cao tốc, thì những hỏng hóc nhỏ này sẽ là những mối nguy hiểm lớn cho các phương tiện giao thông. 70 mét vuông bị bong tróc đã được chủ đầu tư cho cào bóc lên thảm lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng lo ngại, nếu chỉ sửa lớp mặt trên một thời gian sau sẽ lại hư hỏng. Đặc biệt là nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông trên cao tốc này...

Cuống cuồng sửa lỗi

Mấy ngày qua, cả Bộ GTVT và nhà đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang tập trung tối đa vào công tác sửa chữa, khắc phục những điểm hư hỏng tại đây.

Trước sự việc được coi là nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ GTVT đã ra “tối hậu thư” yêu cầu VEC phải khẩn trương hoàn thành sửa chữa đường mới được thu phí.

Những hư hỏng trước khi được sửa chữa.

Ngày 11/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra Công điện số 39/CĐ-BGTVT trong đó cũng có nội dung phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc VEC vì đã chậm trễ trong công tác xử lý các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí và các cơ quan truyền thông không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt. Cùng với đó, tạm dừng thu phí, khẩn trương thực hiện công tác sửa chữa triệt để các hư hỏng mặt đường.

Sau đó, Bộ GTVT có công văn khẩn thứ 2 phê bình tiếp và yêu cầu VEC phải chấn chỉnh thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công...Đồng thời, yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng; vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí rào chắn, biển báo, nguời cảnh giới; đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động cho công nhân thi công và ATGT khi thi công sửa chữa.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, nếu việc xử lý, sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng hoặc để xảy ra mất ATGT, an toàn lao động trong quá trình thực hiện, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc VEC phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ GTVT.

Hình ảnh công nhân mặc quần đùi, đi dép lê vá đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trước đó.

Việc Bộ GTVT ban hành 2 văn bản chỉ đạo công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong vòng ít ngày cũng là việc khá hãn hữu.

VEC đã “cuống cuồng” làm tất cả những gì có thể để thực hiện chỉ đạo của cấp trên...

Phải chỉ rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm

Là người trực tiếp đi kiểm tra hiện trường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bỏng tróc, ông Trần Dân-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng cho rằng, hư hỏng trên tuyến xảy ra cục bộ, những vị trí sụt lún có đọng nước.

“Chất lượng thi công đường có vấn đề, có thể việc xử lý nền đường, chống lún chưa tốt. Khi hư hỏng, việc sửa chữa cũng không đảm bảo nên tiếp tục bong tróc", ông Dân nói và cho rằng, để xảy ra sự cố này lỗi là do chủ đầu tư, tư vấn giám sát chưa làm hết trách nhiệm, để nhà thầu thi công ẩu, chưa đúng kỹ thuật…

Theo ông Dân, để sửa chữa triệt để những hư hỏng trên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có thể sửa từ cốt nền đường lên. Còn như hiện nay cho cào lên sửa lại chỉ là lớp thảm trên nền mang tính tạm thời.

Cùng quan điểm, TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đường cao tốc được thiết kế khai thác tốc độ tới 120km/h (chỉ một số đoạn 100km/h) nên yêu cầu rất khắt khe về độ bằng phẳng, êm thuận, bám dính mặt đường.

TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

“Chỉ cần một ổ gà nhỏ cũng rất nguy hiểm với phương tiện đang lưu thông tốc độ cao, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng được kiểm soát rất chặt. Qua hư hỏng trên cao tốc. Dù việc truy tìm nguyên nhân các hư hỏng công trình đường bộ rất khó khăn, nhưng qua thực tế có thể thấy bong tróc mặt đường có thể do đơn vị thi công cẩu thả. Tôi cho rằng lỗi chính là do chủ quan của con người, dù đơn vị quản lý đường có nói một phần do thời tiết, trời mưa...”, TS.Trần Chủng nhìn nhận.

Theo TS.Trần Chủng, trước tiên cần xác định rõ nguyên nhân dẫn tới đường hư hỏng là gì, rồi xác định lỗi do đâu, sau đó cần tổng rà soát lại toàn bộ. Vì lỗi đã xảy ra thì sẽ còn tiềm ẩn các lỗi khác, ở vị trí khác, ảnh hưởng chất lượng toàn tuyến khi khai thác lâu hơn.

Về trách nhiệm, dù lỗi của ai, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm chính do giám sát chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm. Khi xảy ra hư hỏng mặt đường chủ đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa, đổ lỗi, đùn đẩy.

Về phía Bộ GTVT - cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, nhưng cũng chậm trong xử lý, chỉ đạo, chỉ khi lãnh đạo Chính phủ có yêu cầu mới mạnh tay xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, trước khi tuyến đường đưa vào sử dụng đã được nghiệm thu, đánh giá, đảm bảo mới được khai thác. Dù không phải tất cả lỗi đều phát hiện ra được, nhưng cần xem lại hồ sơ nghiệm thu, xem các thông số kiểm tra, rà soát ra sao.

Sai phạm đã được báo trước

Những thông tin về việc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng, bong tróc nhiều nơi bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 10/2018. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng ngay từ khi tuyến cao tốc này chưa khánh thành, chủ đầu tư đã liên tiếp nhận được đơn nặc danh tố cáo Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Thành về các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý dự án.

Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Thành cho rằng, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng là do mưa và xe tải nặng chạy nhiều?!

Trong đơn, người tố cáo cho rằng ông Thành đã trực tiếp chỉ đạo, phớt lờ trách nhiệm trong công tác quản lý dự án để nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình ở các gói thầu A1, A2 (đoạn vay vốn WB) và gói thầu 4, 5 (vay vốn của JICA, Nhật Bản; chất lượng lớp base/subbase tại gói thầu A1, A2, A3 (ở Km 77, đoạn Lương Tài bị phân tầng, không đảm bảo thành phần hạt; nhà thầu đã không xử lý loại bỏ vật liệu đắp K95 không đảm bảo chất lượng tại gói thầu số 5...

Sau khi vào cuộc xác minh, ngày 17/7, VEC đã có kết luận về những nội dung trong đơn tố cáo trên. Trong bản kết luận này, VEC đã chỉ ra việc sử dụng vật liệu của mỏ đá Hương Mao tại gói thầu số 5 không đảm bảo chỉ số Los Angeles, không đảm bảo thành phần hạt, không theo mẫu chung của dự án thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Tư vấn giám sát và nhà thầu có trách nhiệm trong việc đắp vật liệu K95 đã được loại bỏ phần không đạt chất lượng; nhiều vết nứt bê tông xuất hiện tại đoạn tường chắn MSE (gói thầu số 5), mặt đường có xuất hiện nhiều vết nứt hỏng đã được ông Nguyễn Tiến Thành chỉ đạo sửa chữa.

Không có lý do gì để đùn đây trách nhiệm khi tuyến cao tốc trị giá 1,65 tỷ USD vừa thông xe đã hỏng.

Tuy nhiên, với vai trò là Giám đốc Ban Quản lý dự án, ông Nguyễn Tiến Thành đã giấu kín thông tin này và không báo cáo với VEC về những sự cố, hư hỏng nói trên để có phương án chỉ đạo, khắc phục kịp thời.

Điều đáng nói, Tổng Giám đốc VEC khẳng định đa phần nội dung trong đơn tố cáo là đúng nhưng người chịu trách nhiệm chính trong những nội dung tố cáo đó là ông Nguyễn Tiến Thành lại chỉ nhận hình thức kiểm điểm “rút kinh nghiệm”.

Còn về những sai phạm ở các gói thầu mà đơn tố cáo nêu ra, VEC cho rằng, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý dự án quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trên thực tế, việc có đơn tố cáo lãnh đạo Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bản thân lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã biết. Điều này được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định trong cuộc trả lời báo chí vào tối 13/10, sau khi cùng đoàn công tác kiểm tra đột xuất tuyến cao tốc này.

“Nó liên quan đến rất nhiều thứ. Ví dụ như giữa người dân với nhà thầu, giữa nhà thầu với nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư và tư vấn... Thanh tra Bộ rất nghiêm túc tiếp thu, tiến hành thanh, kiểm tra và sẽ có trả lời”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói và khẳng định hiện còn nhiều vấn đề ở dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình kiểm tra, xác minh.

VEC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thuộc Bộ GTVT, điều khó hiểu là những sai phạm trong dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư, trong đó có không ít sai phạm liên quan đến chất lượng công trình đã được VEC kiểm tra và kết luận từ tháng 7/2018, bản thân Bộ GTVT cũng biết về điều này nhưng vẫn không xử lý.

Chỉ để đến khi cao tốc đưa vào khai thác, hư hỏng tiếp tục xuất hiện khiến dư luận bức xúc như hiện nay, cả Bộ GTVT và VEC mới cuống cuồng sửa chữa, khắc phục thì liệu có quá muộn hay không.

Người dân cả nước đang mong chờ, su khi vá xong cao tốc, Bộ GTVT sẽ làm gì tiếp theo, hay vẫn sẽ bao che, dung túng cho sai phạm.

Bên cạnh đó còn là mong muốn, trước khi ký nghiệm thu công trình “đạt chất lượng, cho thông xe”, những người có trách nhiệm, nhất là trong ngành giao thông hãy nghĩ đến những hiểm họa có thể xảy ra cho dân vì sự tắc trách của mình./.