Câu chuyện đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới khánh thành đã hỏng đang làm nóng dư luận xã hội. Dù được chủ đầu tư giải thích kiểu gì thì cuối cùng, những cái ổ gà lớn nhỏ trên con đường này cũng đã có tiếng nói riêng của nó. Đó là những tắc trách, sai lầm đã phát hiện nhưng không được xử lý kịp thời, rốt ráo, sẽ là những tai họa khó lường cho con người - những tai họa không thể bù đắp bằng tiền.
Nguyên nhân hư hỏng mặt đường được Ban QLDA cho là do bị mưa to đầu mùa? |
Đặc biệt là sau những phát ngôn của ông Giám đốc Ban quản lý dự án đổ vấy cho trời mưa, do xe quá tải làm hư hỏng mặt đường - những phát ngôn được cho là đã “chọc giận” người dân vì đã quá coi thường họ bằng cách giải thích ngây ngô, lấy được. Đến nỗi, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời bình luận mỉa mai: “chả nhẽ phải làm thêm mái che cho đường cao tốc”!?
Sau ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, sau ý kiến phê bình của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã đi thị sát để đếm ổ gà trên đường cao tốc và kết luận bước đầu nguyên nhân vụ việc. Đó là chất lượng công trình chưa đảm bảo, có dấu hiệu bớt xén nguyên vật liệu; năng lực thi công của một số nhà thầu cũng như trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, giám sát còn nhiều thiếu sót cần phải chấn chỉnh.
Chỉ có điều, đây không phải là lần đầu tiên, những gian dối về khối lượng, chủng loại nguyên vật liệu, kỹ thuật thi công gây ra những vết nứt ngang ở nền móng và mặt đường được cảnh báo. Nhưng rồi tất cả đều dễ dàng được cho qua sau những giải thích lòng vòng của các nhà thầu.
Cũng không phải lần đầu tiên những sai phạm của ông Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị tố cáo khi đã phớt lờ trách nhiệm trong công tác quản lý, để nhà thầu vi phạm các quy định về chất lượng công trình ở một số gói thầu…Tiếc là những cảnh báo như vậy đã chưa được lãnh đạo Bộ GT-VT quan tâm xử lý một cách triệt để. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, những hư hỏng trên con đường 34.000 tỉ đồng bây giờ là hậu quả tất yếu của những tắc trách do chính những người có trách nhiệm điều hành dự án gây ra.
Một con đường cao tốc dài 140 km, đi qua nhiều địa hình phức tạp, kể cả khu vực nền đất yếu thì việc khảo sát, thiết kế và đề xuất phương án kỹ thuật để xử lý là điều mà những người điều hành dự án phải biết, phải làm ngay từ đầu, chứ không phải đợi đến khi đường hỏng, dân kêu thì mới giải thích theo kiểu đổ vấy cho trời mưa to, cho nền đất yếu như vậy.
Làm đường cao tốc 34.000 tỉ đồng mà mưa to là đọng nước, mới khánh thành mà mặt đường đã chi chít ổ gà, ổ voi, thì bảo người dân tin vào sự lương thiện của những người làm đường, e là hết sức khó khăn!
Đường cao tốc mà hỏng như đường làng, lại được sửa chữa theo kiểu quần cộc, dép tổ ong, búa tay đục nhựa, thì liệu có ai dám đảm bảo con đường đó là an toàn. 70 mét vuông bị hư hỏng so với hơn 3,1 triệu mét vuông của cả con đường là một tỉ lệ rất nhỏ. Nhưng với đường cao tốc, thì những hỏng hóc nhỏ này sẽ là những mối nguy hiểm lớn cho các phương tiện giao thông.
Dù là hình thức đầu tư nào, thì cuối cùng vẫn là tiền của quốc gia. Gánh nặng hoàn vốn cũng đặt trên vai người sử dụng. Vì thế, không chỉ cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, mà tình trạng “quốc lộ nghìn tỉ…như ruộng cày” từ Bình Định đến Phú Yên cũng vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiểm tra, khắc phục.
Đừng đánh cược mạng sống của người dân bằng cách làm cẩu thả và thô sơ kiểu vá đường làng trên đường cao tốc. Trước khi ký nghiệm thu công trình “đạt chất lượng, cho thông xe” một con đường nào đó, những người có trách nhiệm hãy nghĩ đến những hiểm họa có thể xảy ra cho dân vì sự tắc trách của mình./.