Tại Cao Bằng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem là quê hương thứ 2 đã lập bàn thờ Đại tướng tại khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo.Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là nơi 69 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Sau khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Kim đã lập bàn thờ Đại tướng tại trụ sở xã và khu nhà tiếp khách tham quan rừng Trần Hưng Đạo, để nhân dân các dân tộc trên địa bàn thắp nén tâm nhang viếng Đại tướng.

bantho.jpg
Cán bộ và nhân dân xã Tam Kim dâng hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở UBND xã.

Ngày 12/10, Đoàn đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cao Bằng và huyện Nguyên Bình cũng sẽ đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sát cánh cùng Đại tướng ngay từ những ngày đầu cách mạng đầy gian khó, người dân xã Tam Kim từ lâu đã xem Đại tướng là người con của quê hương. Hầu như gia đình nào ở đây cũng treo trang trọng ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại phòng khách.

Để tưởng nhớ Đại tướng, nhiều gia đình trong xã Tam Kim nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung đã lập bàn thờ, đeo băng tang lên bức ảnh chân dung Đại tướng hoặc lưu giữ tờ lịch ngày 4/10 để nhớ ngày giỗ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số đó có gia đình ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (ở nhà số 40, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng).

Ông Thăng là con cụ Dương Mạc Thạch (Bí danh Xích Thắng) làm Chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa.

Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo- nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Ông Dương Mạc Thăng cho biết: “Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, Đại tướng về đất này hoạt động và sống ở nhà tôi trong một thời gian khá lâu. Khi Đại tướng về đây hoạt động cách mạng, tôi chưa được sinh ra. Những những câu chuyện về Đại tướng do bố mẹ tôi kể lại và sau này khi tôi công tác tại Tỉnh ủy cũng có điều kiện gặp Đại tướng khá nhiều lần. Tôi thấy Đại tướng là người rất vĩ đại nhưng lại rất gần gũi”.

Trong số 34 chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, hiện chỉ còn duy nhất cụ Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực, sinh năm 1922 tại Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) hiện còn sống.

Cụ Cắm hiện đang sinh sống tại thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Hay tin vị chỉ huy đầu tiên, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời, cụ Cắm đã lập ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại gia đình./.